Để những món quà đến với đồng bào phát huy hết hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - “Cảm ơn, cảm ơn lắm! Cần, cần lắm!” - người dân tại Đakrông (tỉnh Quảng Trị) đã nói như vậy khi được cầm trên tay chiếc bình lọc nước do bạn đọc Báo An ninh Thủ đô gửi tặng. Chỉ thế thôi là đủ để tôi ấm lòng và tin tưởng những bước đi trên hành trình công tác xã hội Báo An ninh Thủ đô đã đi đúng hướng.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình - Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô, Trưởng Đoàn công tác xã hội, tình nghĩa - trao quà cho bà con huyện Đakrông

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình - Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô, Trưởng Đoàn công tác xã hội, tình nghĩa - trao quà cho bà con huyện Đakrông

Trăn trở khi về với miền Trung

Cách đây vài năm, tôi được tham gia một đoàn thiện nguyện lên vùng núi xảy ra sạt lở ở phía Bắc. Những cá nhân đứng ra tổ chức chuyến đi là những người có tâm, mong muốn chia sẻ điều tốt đẹp với người dân khó khăn. Nhưng trong đoàn đó, có một số thành viên dường như không đi với tâm thế, suy nghĩ như vậy. Họ tham gia với mục đích “đổi gió”, coi như đi “du lịch đặc biệt” nên có những hành động thực sự không đẹp. Đặc biệt, có người đã lấy cảm hứng từ chuyến đi để sau đó tự đứng ra kêu gọi quyên góp độc lập qua Facebook.

Sau này, trước khi đi chuyến thiện nguyện tiếp theo, anh ta gọi cho tôi để đề nghị... vay tiền, làm chi phí cho chuyến đi. Tôi khá bất ngờ, bởi một người không có tiền sinh hoạt, không lo nổi cho chính mình, nhưng lại đứng ra làm thiện nguyện. Kế đó, tôi nhận được thông tin người đàn ông trên đã lợi dụng việc lên vùng cao để vay tiền của chính những cô giáo trên đó rồi… “xù”. Người này cũng vay rất nhiều đầu mối rồi không trả, trong khi Facebook của anh ta vẫn không ngừng đăng những status “đạo lý”, chia sẻ về tình nghĩa trong cuộc đời...

Khi người dân ở miền Trung chật vật chống lại cơn lũ dữ, một cô gái tốt bụng mà tôi quen đã gọi cho tôi, rồi hỏi với giọng đầy thảng thốt: “Anh ơi, đoàn của em sắp vào hỗ trợ trong đó rồi. Chúng em định tặng áo phao cho bà con. Vì áo rất cồng kềnh, nên em đã liên hệ đầu mối gần vùng lũ và đặt trước 20 triệu tiền hàng để tiện vận chuyển. Nhưng đúng ngày đoàn em vào thì đầu mối đó nói rằng đã chuyển áo cho một người nào đó không được ủy quyền, và cuối cùng lại không có áo...”. Vậy là một chuyến đi với ý nghĩa tốt đẹp bị đổi lại bằng những cảm giác bức xúc, kiện cáo và quan trọng nhất là mục đích trao tặng áo phao cho bà con đã không thể thực hiện.

Thiếu kỹ năng quản trị là một trong những nhược điểm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thiện nguyện của nhiều cá nhân, tổ chức hiện nay. Tiếp xúc với những người làm thiện nguyện ở tâm lũ miền Trung, tôi càng thấy rõ hơn điều trăn trở ấy.

Sở dĩ tôi kể những câu chuyện kể trên chỉ để nói một điều, làm bất kỳ dự án/hoạt động cộng đồng nào, thì chúng ta cũng đều cần kỹ năng quản trị chuyên nghiệp, bên cạnh cái tâm, cái tầm của người thực hiện. Một khi lĩnh hội, áp dụng được kỹ năng quản trị vào hoạt động thiện nguyện, thì những vấn đề trăn trở liên quan sẽ được giải quyết một cách gọn gàng, hợp lý và hiệu quả. Đó mới thực sự là cái đích mơ ước mà hoạt động thiện nguyện cần hướng tới.

Lực lượng Công an huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) phối hợp với Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô vận chuyển vật phẩm quà tặng tới tay bà con

Lực lượng Công an huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) phối hợp với Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô vận chuyển vật phẩm quà tặng tới tay bà con

Những hy vọng

Cùng Báo An ninh Thủ đô đi vào tâm lũ Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), tôi đã thấy và học được nhiều điều. Đón chúng tôi là Thượng tá Hoàng Văn Trung - Trưởng CAH Đakrông. Công an huyện đã phối hợp cùng Đoàn công tác của Báo, để chuyển món quà tặng tới người dân trên địa bàn huyện.

Thượng tá Hoàng Văn Trung nói, trong những ngày Đakrông bị nước lũ bao vây, một số đoàn thiện nguyện đã tới và công an huyện huy động tối đa nhân lực, vật lực có thể để hỗ trợ. Trong câu chuyện ấy, có những nốt trầm buồn. Đó là khi những tấm lòng trân quý của người ủng hộ không có tính thực tế. Ví dụ như thực phẩm sau hành trình dài có nguy cơ lớn gặp vấn đề mất vệ sinh an toàn, mà nhận xong thì phải điều chỉnh ra sao để người tặng hiểu và thông cảm…

Đó là khi ở đâu đó trên mạng xã hội có những ý kiến phiến diện, thậm chí sai lệch hoàn toàn, dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai về nỗ lực của những cán bộ đang ngày đêm chèo chống lũ dữ giúp đỡ bà con. Chẳng hạn, có đoàn đòi đi sâu vào vùng lũ nguy hiểm. Khi cơ quan chức năng can ngăn, khuyên nhủ, đoàn thiện nguyện lại quay ra đặt nghi vấn về việc “tại sao không muốn cho chúng tôi đi vào đó?”.

Tất cả những điều trăn trở đó thực sự có thể gây ra nỗi niềm tổn thương to lớn. “Tôi nghĩ, chỉ những ai có đầu óc không bình thường mới nghĩ đến việc xà xẻo đồ cứu trợ của người dân vùng lũ lúc này. Còn những người như chúng tôi có mặt ở đây là để hỗ trợ, phân phát đồ cứu trợ một cách công bằng và đến tay người dân nhanh nhất có thể” - Thượng tá Hoàng Văn Trung trải lòng.

Trước khi đến với huyện Đakrông, đoàn công tác xã hội Báo An ninh Thủ đô đã suy nghĩ rất nhiều. Điều phải nghĩ đầu tiên là nên lựa chọn món quà gì cho phù hợp, để ứng dụng hiệu quả trong vùng lũ, sau lũ vẫn phát huy tác dụng, góp phần giải quyết vấn đề sinh hoạt hàng ngày? Và sản phẩm bình lọc nước đã được nghĩ tới. Đây chắc chắn là một trong những món đồ cần thiết nhất đối với người dân vùng lũ, bởi bao vây họ là bộn bề nước, nhưng họ lại thiếu nước sạch, nước sinh hoạt. Sau khi chọn được món quà phù hợp, “bài toán” tiếp tục phải giải quyết ở khâu chất lượng và vận chuyển.

Chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, được chứng nhận bởi những cơ quan độc lập uy tín, để bà con yên tâm sử dụng. Điều này cũng được giải quyết nhanh gọn, bởi sản phẩm mà Báo An ninh Thủ đô lựa chọn là loại bình lọc nước được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế thẩm định xác nhận có chất lượng tốt và hiệu quả, đã từng sử dụng trong một số chương trình nước sạch nông thôn. Kế đó là việc vận chuyển - một sản phẩm đặc biệt dễ vỡ - vượt quãng đường gần 1.000km (từ nơi sản xuất là An Giang tới Quảng Trị) mà phải đảm bảo an toàn, cũng không hề đơn giản.

Tất cả vấn đề khó đó đều được xử lý gọn gàng, dựa vào kinh nghiệm hoạt động công tác xã hội nhiều năm qua của Báo. Tôi nêu ra điều này, một phần là để tự hào, phần khác là để nhấn mạnh lại suy nghĩ đã đề cập ở trên: Hoạt động xã hội tình nghĩa rất cần sự chuyên nghiệp, cần kỹ năng quản trị tốt để đạt hiệu quả cao khi đến với đồng bào.