Đê nhỏ “oằn vai” cõng xe tải

ANTĐ - Một lần tham gia giao thông trên đê Hồng Vân, chúng tôi mới hiểu được nỗi thống khổ của người dân khi hàng ngày phải sống cùng “bão cát”. Sau mỗi đoàn xe tải benz đi qua, cát từ trên thùng xe, cát ở dưới mặt đường theo đợt gió cuốn lên bụi mù. Người đi đường phải dừng lại chờ cho đoàn xe chạy khuất mới dám tiếp tục hành trình…

Xe chở cát đầy có ngọn chỉ được che đậy đối phó

Khổ vì cát…

Khi mùa mưa lũ đang đến, gần 4km đê Hữu Hồng chạy qua địa phận một số xã thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) vẫn phải gồng mình gánh một lượng lớn xe tải chở cát. Tình trạng bụi cát, khói xe, tiếng ồn gây ô nhiễm đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ở khu vực dọc theo tuyến đê. Tính từ dốc Vân La, xã Hữu Hồng đến bến đò chỉ gần 2km có đến 6 bến bãi hoạt động, trong đó một bãi nổi với khối lượng khai thác cát lớn và 5 điểm tập kết cát từ Phú Thọ theo đường sông về. Trung bình mỗi ngày gần 2km của tuyến đê này có khoảng 600 lượt xe ô tô chở vật liệu rời chủ yếu là cát chạy vào các bãi để lấy hàng. Mặc dù phần lớn xe chở cát đều được che đậy, song chỉ mang tính hình thức. Thùng xe một là được cơi nới lên thêm, hai là cát lúc nào cũng đầy có ngọn. Mỗi khi xe tăng tốc, gặp đường xóc, gió mạnh, cát cứ thế rải khắp đường, bay vào nhà dân dọc đê.

Người dân sống dọc ven đê cho biết, khổ nhất vào hai mùa hạ và đông. Vào mùa hạ, cát tràn mặt đường, khi lưu thông bằng xe máy chỉ cần gặp ụ cát nhỏ cũng dễ dẫn đến chệch tay lái, gây tai nạn; người không quen đường khi lưu thông thường xuyên bị trượt cát ở khúc cua, ngã xe, sây sát chân tay; vào mùa đông gió thổi mạnh cuốn theo cát đập vào người đi đường rát mặt. Bác Ngô Văn M, xã Hồng Vân than phiền: “Bà con sống ở đây khổ lắm, vào ngày nắng thì bụi, tiếng ồn từ xe tải suốt ngày gầm rú và có cả những cơn bão cát khi gió thổi mạnh. Chúng tôi không được ngủ trưa yên giấc. Vật dụng trong nhà ngày nào cũng phải lau chùi không sẽ đóng một lớp bụi dầy”.

Bắt đầu từ dốc Vân La đi lên, con đường đê bao dọc làng Vân La, xã Hồng Vân theo đường vòng cung. Nhà dân thường chỉ bằng hoặc thấp hơn mặt đường nên quanh năm phải hứng chịu bão cát. Trước đây, đường đê còn bằng đất, xe tải benz chở cát không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo thành những hố lớn trên mặt đường, người dân bức xúc đã làm barie ngăn không cho xe tải vào, buộc chính quyền phải can thiệp. Nhưng con đường trải nhựa mới đi vào sử dụng gần 1 năm cũng đang phải “oằn” mình cõng đoàn xe nặng gấp nhiều lần trọng lượng cho phép. Nhiều đoạn giữa con đường đã bị xé toạc để lộ lớp hỗn hợp đá cộng nhựa đường, hình thành ngày càng nhiều “ổ trâu, ổ voi, ổ gà, ổ chuột”. Người dân không còn cảnh xắn cao ống quần lội bùn vào mùa mưa nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường về bụi, tiếng ồn động cơ vẫn còn đó và có chiều hướng gia tăng khi đường đẹp kéo theo mật độ xe ngày càng dày đặc hơn.

Ngang nhiên hoạt động

Theo quy định, xe tải trên 13 tấn không được phép lưu thông trên đê Hữu Hồng. Nhưng sau 2 giờ đứng quan sát, chúng tôi nhận thấy hàng loạt xe ô tô trọng trải trên 20 tấn, thậm chí có những loại hyundai cỡ 40 tấn vẫn hoạt động. Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: “Tình trạng xe benz chở cát gây ô nhiễm môi trường và làm hư hỏng đường thực tế đang xảy ra hàng ngày, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hư hỏng đường là do các hộ kinh doanh cát chất tải quá nhiều, khối lượng quá lớn gây sức ép lên nền đường nhựa. Đây là đường 472 được cải tạo lên từ đường 71 cũ, là tuyến đường chạy liên tỉnh trước đây xe tải được phép lưu thông. Tuy nhiên, đường 472 lại không được kết cấu đặc biệt so với toàn tuyến để có thể đáp ứng được lượng lớn xe tải benz trong quá trình trung chuyển cát”.

Bắt đầu từ dốc Vân La để đi lên đê Hữu Hồng, không hề có biển cấm trọng lượng và giới hạn tốc độ cho các xe lưu thông qua đây. Chính vì vậy, mặc dù đường đê nhỏ, hẹp, nền đường yếu nhưng thường xuyên xuất hiện tình trạng xe chở cát nối đuôi 3-4 xe chạy với tốc độ nhanh. Mỗi lần xe qua lại, cát trên thùng chảy xuống đường. Cứ một tuần các chủ bãi cho xe ủi đi gạt cát ra lề đường, trời nắng cát gây trơn trượt, trời mưa thì trôi xuống đường ngang dân sinh, làm tắc dòng nước chảy vì thế dân càng bức xúc hơn. Bên cạnh đó, nhiều đoạn đê mặt đường đã bị hỏng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu thân đê, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ sắp đến.