Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Melania Trump làm gì trong chuyến công du châu Phi?

ANTD.VN - Có vẻ như truyền thông Mỹ đã quá chú ý đến phong cách thời trang của bà Melania Trump trong chuyến thăm một mình tới 4 nước châu Phi là Ghana, Malawi, Kenya và Ai Cập mà “quên” nhắc đến điểm nhấn chính của chuyến công du này là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ muốn bày tỏ sự ủng hộ các dự án viện trợ của Mỹ ở “lục địa đen”.

Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Melania Trump làm gì trong chuyến công du châu Phi? ảnh 1Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Melania Trump thăm Bệnh viện khu vực Greater Accra (Ghana), ngày 2-10

Nước Mỹ có lịch sử lâu dài về viện trợ cho các quốc gia châu Phi, các cựu Tổng thống và phu nhân cũng thường xuyên viếng thăm châu Phi, nhưng dưới thời Tổng thống            Donald Trump, điều này đã thay đổi. Chính quyền của ông Donald Trump đang muốn thu hẹp lại vai trò nhân đạo của Mỹ trên thế giới và thay vào đó là tập trung vào các chương trình có lợi trực tiếp cho người Mỹ. Đó chính xác là lý do vì sao chuyến thăm châu Phi của bà Melania rất đáng chú ý.  

Thông điệp về sự sẻ chia

“Chúng ta phải công nhận một điều rằng bà Melania có chương trình nghị sự riêng, tách biệt với chồng và tiếng nói của bà trong Nhà Trắng khá quan trọng. Tôi nghĩ rằng Melania đại diện cho hy vọng rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tập trung hơn vào phát triển và viện trợ”, Landry Signé - chuyên gia về tăng trưởng kinh tế và phát triển ở châu Phi tại Viện Brookings ở Washington nhận định.

 Trong cả 4 nước ghé thăm, Đệ nhất phu nhân nước Mỹ đều tới thăm những cơ sở và gặp gỡ những người được hưởng lợi từ sự trợ giúp của Chính phủ Mỹ. Thông điệp của bà là “cho thế giới thấy rằng chúng ta quan tâm tới họ”. 

Điểm dừng đầu tiên của bà Melania là Ghana, một quốc gia Tây Phi có quan hệ gần gũi Mỹ và là một trong những nền dân chủ mạnh nhất trong khu vực. Đệ nhất phu nhân Melania nói bà chú ý đến Ghana cũng là bởi các chương trình của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã giúp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bà đến thăm Bệnh viện khu vực Greater Accra, được USAID tài trợ để hỗ trợ các dịch vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, chứng kiến các nhân viên bệnh viện dạy cho các bà mẹ mới sinh cách chăm sóc trẻ sơ sinh hay trẻ sinh non.

Tại điểm dừng chân tiếp theo ở Malawi, bà Melania gặp gỡ các sinh viên, giáo viên và phụ huynh tại trường Tiểu học Chipala, nơi được USAID tài trợ. Phu nhân của Tổng thống Donald Trump đã tặng 1,4 triệu cuốn sách giáo khoa để thêm vào 8 triệu sách giáo khoa đã được USAID cung cấp cho các trường công lập ở Malawi. “Tôi muốn ở đây để thấy tận mắt các chương trình thành công trong việc hỗ trợ trẻ em và cảm ơn các bạn vì mọi thứ đã làm”, bà Melania Trump phát biểu trước công chúng.

Tương tự, tới thăm Kenya và Ai Cập, Đệ nhất phu nhân Melania cũng chú ý đến các chương trình được USAID tài trợ khác như bảo tồn môi trường sống hoang dã ở Vườn Quốc gia Nairobi hay dự án ngăn chặn nước ngầm làm hư hại móng của các bức tượng Nhân sư 4.500 tuổi ở Ai Cập.

Bà Melania có ảnh hưởng đến các quyết sách của chồng?

Ngoài sự chú ý quá mức của truyền thông về vấn đề thời trang khiến Đệ nhất phu nhân Melania phải bày tỏ: “Hãy tập trung vào việc tôi làm gì chứ không phải tôi mặc gì”. Chuyến công du 1 tuần của bà Melania Trump tới “lục địa đen” muốn hướng đến những vấn đề mà chồng bà đang muốn người Mỹ lờ đi. Một phần nào đó, nó thể hiện quan điểm xung đột với chính sách đối ngoại của chính quyền đương nhiệm.

Thực tế, viện trợ nước ngoài cũng đang là vấn đề còn vướng mắc giữa Nhà Trắng với Quốc hội. Tháng 8-2018, Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng đã định cắt giảm 3,5 tỷ USD ngân sách dành cho các hoạt động của USAID nhưng các thành viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong Quốc hội đã không đồng ý, buộc Nhà Trắng phải lùi lại. 

Chuyến công du châu Phi thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của bà Melania đối với USAID. Có lẽ Đệ nhất phu nhân Mỹ đang muốn thúc đẩy một chính sách đối ngoại tập trung hơn vào vấn đề nhân đạo vào thời điểm mà chồng bà chỉ muốn thu hẹp quy mô. Không rõ bà sẽ có ảnh hưởng thế nào đến các quyết sách của chồng, nhưng các nhóm vận động chính sách dường như vẫn hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ không cắt giảm các nguồn tài trợ cho các nước đang phát triển.

“Chúng tôi hy vọng Đệ nhất phu nhân sẽ nói chuyện với Tổng thống Donald Trump về những gì bà đã nhìn thấy ở châu Phi, rằng sự hào phóng của nước Mỹ đã cứu sống, giúp người dân thoát khỏi đói nghèo và biến nước Mỹ thành một ngọn hải đăng hy vọng cho hàng triệu người trên thế giới. Chúng tôi hy vọng đề xuất ngân sách sắp tới của Tổng thống sẽ tài trợ đầy đủ cho các chương trình này”.

Tom Hart (Giám đốc Điều hành Tổ chức quốc tế One Campaign ở Bắc Mỹ)