Đề nghị Trung Quốc thông báo lý do bắt giữ tàu cá Việt Nam

ANTĐ - Ngày 6-7, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị phía Trung Quốc thông báo chính thức cho phía Việt Nam về vị trí tọa độ, lý do Trung Quốc bắt giữ tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS cùng 6 ngư dân hôm 3-7 vừa qua. 
Bản tin phát thanh ngày 6-7-2014 do Báo An ninh Thủ đô sản xuất

Trước đó, ngày 5-7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc xác minh thông tin và có các biện pháp bảo hộ đối với những ngư dân này.

Trong khi đó, tại hiện trường khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, 2 ngày gần đây, ở hướng nam tây nam giàn khoan Hải Dương 981, hoạt động cản phá của các tàu Trung Quốc trở nên khá bất thường khi diễn ra cả trong những giờ mà tàu hai phía tạm dừng nghỉ ngơi.

Cung cấp thông tin diễn biến tại hiện trường thực địa, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho hay, phía Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 110-115 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan; trong đó có 46-47 tàu Hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 14-15 tàu kéo, 32-34 tàu cá và 5 tàu quân sự.

Hơn 2 tháng kể từ ngày đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục leo thang khi bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam ngay trên vùng Vịnh Bắc bộ

Khi tàu Kiểm ngư Việt Nam tiến vào gần giàn khoan thì các tàu của Trung Quốc đồng loạt tăng tốc, áp sát, hú còi ngăn cản tàu Việt Nam thực thi pháp luật trên biển.
Hiện các tàu Kiểm ngư Việt Nam tiếp tục thực hiện các đợt cơ động tiếp cận giàn khoan, cách giàn khoan từ 10-11,5 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu và giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Liên quan đến việc Trung Quốc ban hành bản đồ dọc, chuyên trang Interpreter, thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, Australia nhận định, tấm bản đồ dọc cho thấy sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc trong nước, với mưu đồ của chính quyền Bắc Kinh nhằm thay đổi nhận thức của người dân về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. 

Trên tờ Diplomat, học giả Harry Kazianis nhận định thay vì dùng sức mạnh quân sự có thể dẫn tới chiến tranh, Trung Quốc dùng giàn khoan và bản đồ để đạt được các mục tiêu chiến lược.

Chiến thuật này hoàn toàn không phải là điều gì quá mới mẻ với Bắc Kinh. Năm 2012, Trung Quốc đã từng áp dụng chiến thuật này khi ban hành hộ chiếu in đường lưỡi bò và gặp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Ông Kazianis cảnh báo, nếu Trung Quốc dần thay đổi hiện trạng và giành quyền kiểm soát biển Đông sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm và sẽ khiến tất cả các quốc gia đang chia sẻ lợi ích trên biển Đông gặp rất nhiều khó khăn trước thách thức của Trung Quốc.