Đề nghị thêm ngày nghỉ dịp Tết Nguyên đán

ANTĐ - Ngày 5-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) về tiền lương tối thiểu; tăng thời gian nghỉ thai sản; quy định thời gian làm thêm...

Kỳ nghỉ tết hiện nay “lỡ cỡ” với 4 ngày nghỉ và một ngày làm việc

Theo Tờ trình của Chính phủ, về giờ làm thêm, dự thảo quy định theo hướng người sử dụng lao động có quyền huy động người lao động làm thêm giờ nếu đáp ứng đủ một số điều kiện, nhưng số giờ làm thêm tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng. Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người lao động phải được bố trí nghỉ bù.

Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Chính phủ đề nghị chọn phương án tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng theo quy định hiện hành lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường; tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 5 tháng hiện hành lên 6 tháng đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc theo chế độ 3 ca; nữ quân nhân, nữ công an nhân dân…

Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo thể hiện theo hướng, lao động nữ đủ 55 tuổi, lao động nam đủ 60 tuổi có quyền nghỉ hưu. Đồng thời, giao Chính phủ quy định tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc thù khi người lao động tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Cơ bản thống nhất với quan điểm của Chính phủ về thời gian làm thêm, song Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội yêu cầu bổ sung giới hạn “chỉ cho phép làm thêm giờ trong một số ngành nghề cụ thể; theo độ tuổi nhất định; có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, làm thêm ban đêm, làm thêm vào ngày nghỉ”…

Về thời gian nghỉ thai sản, Thường trực Ủy ban này cho rằng, nên quy định linh hoạt bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ tối đa là 6 tháng. Trên cơ sở đó, lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ cho phù hợp với công việc, cuộc sống của mình.

Thảo luận về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu câu hỏi: “Nên chăng có thể quy định thêm một ngày nghỉ Tết Âm lịch. Hiện nay số ngày nghỉ dịp này là 4 ngày, thường “kẹp” một ngày đi làm vào giữa kỳ nghỉ. Ngày đó cũng rất ít cơ quan, đơn vị làm việc thực chất”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, từng chủ trì Ban soạn thảo Bộ luật với tư cách Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có cùng quan điểm. Bà cho biết, số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức bình quân trong khu vực Đông Nam Á.

Về tiền lương, Chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị trong quá trình xây dựng mức lương tối thiểu cần có chính sách phù hợp với mọi đối tượng lao động, tránh tình trạng một số doanh nghiệp nước ngoài hiện nay đang bám vào quy định mức lương tối thiểu để lách luật, dẫn tới tình trạng người lao động trực tiếp lương thấp, cán bộ lương cao. Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam với tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu vùng, nhưng trong tương lai khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên cần phải hướng đến việc chỉ công bố mức lương tối thiểu đối với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế, hạn chế việc người sử dụng lao động lợi dụng để chi trả tiền lương không hợp lý.

Cùng ngày, các thành viên Ủy ban đã cho ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Các ý kiến đề nghị dự thảo luật cần xác định đúng địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới; có cơ chế hoạt động, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn; mục tiêu bảo vệ người lao động như thế nào cho phù hợp với vai trò của tổ chức công đoàn...