Đề nghị tăng gấp đôi mức phạt chậm nộp thuế

ANTĐ - Ngày 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; nghe báo cáo, cho ý kiến về tình hình đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) 2003-2011.

Tình trạng nợ đọng thuế hàng trăm tỷ đồng đang diễn ra ở nhiều dự án đô thị

Qua thẩm tra sơ bộ dự án luật Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nội dung mới tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, chưa thể hiện rõ mục tiêu tạo công cụ vĩ mô để góp phần chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.

Đáng lưu ý, cơ quan thẩm tra đề nghị tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong việc nộp, khai thuế. Ủy ban này cho rằng, mức phạt chậm nộp 0,05%/ngày là thấp, một số doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng tiền thuế, chấp nhận bị phạt chậm nộp, không thực hiện nghĩa vụ thuế. Do đó, đề nghị sửa đổi theo hướng nâng mức phạt, có thể quy định mức phạt 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng ý với quan điểm này và đưa ra phương án lấy lãi suất ngân hàng hiện hành cộng với một tỷ lệ phù hợp làm căn cứ tính mức phạt, vì mức “cứng” là 0,1%/ngày có thể sẽ lạc hậu khi lãi suất ngân hàng thay đổi.

Cũng trong nội dung xử lý vi phạm, mức phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, luật hiện hành quy định xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị nâng mức phạt này lên gấp đôi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cơ quan soạn thảo và thẩm tra về việc giữ quan điểm cân bằng khi nhìn nhận về đối tượng nộp thuế và thu thuế. Ông nói: “Phạt phải nghiêm, nhưng phải thiết kế nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có xem xét những tình huống rủi ro”.

Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe báo cáo về tình hình đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ 2003-2011, dự kiến phương án phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 và kế hoạch năm 2012. Theo đó, tổng hợp nhu cầu vốn TPCP 2012-2015 của các địa phương sẽ lên tới trên 500 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 2,8 lần so với khả năng cân đối vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.

Cơ bản nhất trí với những nguyên tắc phân bổ vốn TPCP 2012-2015, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý “điểm dừng kỹ thuật hợp lý” đối với các dự án, công trình không được triển khai thực hiện, đồng thời giao lại cho các bộ ngành, địa phương tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai hoàn thành dự án. Liên quan tới các chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các bộ về việc làm chậm tiến độ phê duyệt: “Quốc hội chất vấn trách nhiệm của việc chậm trễ này thì các đồng chí nói sao?”.