Đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất để xảy ra sự cố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Thẩm tra dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất để xảy ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng.

Về vận chuyển hóa chất (Điều 19), tồn trữ hóa chất (Điều 20), theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT), có ý kiến cho rằng việc quản lý hóa chất theo vòng đời chưa thực sự được quy định rõ trong dự thảo Luật; cần nghiên cứu, đánh giá việc phân loại hóa chất quản lý để có hướng tiếp cận mới về quản lý cho phù hợp.

Đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân được vận chuyển hóa chất; cấp giấy phép vận chuyển hóa chất; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất để xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người.

Về thời hạn liên quan đến giấy chứng nhận, giấy phép (Điều 24 và 25), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu, bổ sung đánh giá tình hình thực hiện quy định thời hạn của giấy chứng nhận, giấy phép bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, tránh phát sinh chi phí thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Một số ý kiến đề nghị áp dụng thời hạn 10 năm đối với 2 loại giấy phép: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất có điều kiện; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện để phù hợp thực tiễn và tương tự quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường về thời hạn của giấy phép môi trường.

Về Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt (Điều 33), có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ giá trị pháp lý, mối quan hệ giữa Phiếu đã được lập, xác nhận với việc công bố một số nội dung trên Cơ sở dữ liệu hoá chất; nghiên cứu loại bớt nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất.

Về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị làm rõ chức năng của cơ quan liên quan như các bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến quản lý hóa chất trong sản phẩm chứa hóa chất; nghiên cứu, thể hiện lại các quy định cho phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Về khoảng cách an toàn (Điều 62), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về khoảng cách an toàn với dự án sản xuất hóa chất mới và dự án đang hoạt động để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và địa phương. Đề nghị cân nhắc, không quy định về khoảng cách an toàn thành quy chuẩn kỹ thuật để tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Về xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (Điều 64), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị đánh giá lại căn cứ, tính khả thi của quy định này; bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất có liên quan trong một số luật (như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…).

Về quản lý nhà nước về hóa chất, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện quy định chi tiết, đầy đủ hơn, phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ thực hiện một số hoạt động về quản lý, sử dụng hóa chất cụ thể; đánh giá nội dung phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đảm bảo tính khả thi.

Bên cạnh các nội dung trên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị rà soát các thủ tục hành chính để cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; Đề nghị bổ sung quy định về một số nội dung chuyển tiếp để phù hợp với Luật Đầu tư, rà soát tránh bỏ sót các trường hợp cần chuyển tiếp.