Đề nghị chuyển đổi tội danh với 19 bị cáo vụ Đồng Tâm thể hiện rõ chính sách khoan hồng của pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáng 9-9, Viện KSND TP.Hà Nội (VKS) đã đề nghị mức án với 29 bị cáo trong vụ án ‘Giết người’, ‘Chống người thi hành công vụ’ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Tạo cơ hội cho bị cáo làm lại cuộc đời

Ngoài 2 bị cáo bị đề nghị mức án tử hình, 1 bị cáo mức án tù chung thân, 3 bị cáo có mức án từ 14-18 năm tù, VKS đã đề nghị chuyển đổi tội danh đối với 19 bị cáo còn lại, từ tội Giết người sang tội Chống người thi hành công vụ.

Hầu hết các bị cáo ở nhóm này trước khi phạm tội đều là nông dân, đi theo ông Kình, bị cáo Công và Hiểu. Họ bị lôi kéo kích động, nên các bị cáo này tham gia phạm tội ở từng giai đoạn, công đoạn nhất định.

Các bị cáo có hạn chế nhận thức pháp luật, nghe và theo bố con ông Kình, phạm tội lỗi gián tiếp nên được đề nghị áp dụng tội danh nhẹ hơn.

Nhận xét về đề nghị chuyển đổi tội danh của VKS đối với 19 bị cáo trong vụ án trên, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo BLHS 2015 sửa đổi, tội Giết người có mức hình phạt thấp nhất là 12 năm tù, cao nhất là tử hình. Trong khi đó, với tội Chống người thi hành công vụ mức hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, cao nhất là 7 năm tù.

Như vậy, việc chuyển đổi tội danh đối với 19 bị cáo trên cho thấy đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước, để áp dụng tội danh nhẹ hơn và theo đó có áp dụng hình phạt nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với một số bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, yên tâm cải tạo, tu dưỡng thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

Chính sách khoan hồng, nhân đạo xuyên suốt trong BLHS 2015

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, tại BLHS 2015 sửa đổi, chính sách khoan hồng, được thể hiện xuyên suốt, nhất quán. Điều 3 Bộ luật này quy định, mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội;

Pháp luật hình sự nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Song, pháp luật cũng luôn khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.

Trong BLHS 2015, chính sách khoan hồng còn được thể hiện rõ trong một số điều luật. Điều 51 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bao gồm: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Phạm tội do lạc hậu; Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm…

Đặc biệt, Bộ luật còn nêu rõ, xử lý tội phạm theo luật hình sự phải có mục đích giáo dục và có tính nhân đạo. Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới.

Hình phạt được tuyên phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và phù hợp với nhân thân người phạm tội mà trước hết là phù hợp với khả năng giáo dục của họ.

Từ những phân tích trên có thể thấy, pháp luật hình sự nước ta thể hiện rõ chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với những người phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…Việc VKS đề nghị chuyển đổi tội danh đối với 19 bị cáo từ tội Giết người sang tội Chống người thi hành công vụ trong vụ án ‘Giết người’, ‘Chống người thi hành công vụ’ xảy ra tại xã Đồng Tâm, với mức hình phạt nhẹ hơn rất nhiều là hoàn toàn đúng luật, một lần nữa khẳng định sự đúng đắn, “thấu tình, đạt lý” của chính sách trên – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Nắm chắc bản chất vụ án, xét xử đúng người đúng tội

Luật sư Vũ Quang Vượng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư Vũ Quang Vượng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Sau 3 ngày (từ ngày 7 đến 9-9) vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm. Qua theo dõi cho thấy, ngày 9-9, HĐXX chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án dối với từng bị cáo. Điều đặc biệt, đại diện VKS đã đề nghị thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ”.

Việc đại diện VKS vận dụng chính sách pháp luật, đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước để chuyển tội danh nhẹ hơn cho các bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời thể hiện rõ chính sách nhân đạo, nhân văn của pháp luật. Tôi cho rằng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, các cơ quan tố tụng đã hiểu rất rõ bản chất vụ án, từ đó truy tố cũng như xét xử đúng người, đúng tội.

Qua xét hỏi công khai tại tòa, các bị cáo này đã khai nhận một phần động cơ gây án do nhận thức pháp luật hạn chế, do được hứa hẹn chia đất, nên đã mù quáng tin tưởng và đi theo Lê Đình Kình. Các bị cáo đã nhận thức được sai phạm, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải… Đó chính là những yếu tố, căn cứ quan trọng để VKS đề nghị chuyển đổi tội danh với 19 bị cáo.

‘Hãy biết cúi đầu trước tội lỗi đã gây ra’

Ông Trần Quang Điệp, phố Hoàng Cầu, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Ông Trần Quang Điệp, phố Hoàng Cầu, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Những ngày vừa qua, theo dõi phiên xét xử sơ thẩm vụ án ‘Giết người’ và ‘Chống người thi hành công vụ’ xảy ra tại xã Đồng Tâm ngày 9-1-2020, tôi và nhiều người dân ở khu phố đều có chung cảm xúc căm giận tột bậc. Với chuỗi tội ác có tổ chức, toan tính man rợ như vậy, đã có 2 trong số 27 bị cáo bị đề nghị tuyên phạt tử hình. Mức án này hoàn toàn phù hợp với tội ác các đối tượng gây ra. Tuy nhiên, trong số các đối tượng gây án, có những người tỏ ra thành khẩn, ăn năn, hối hận. Với tinh thần ‘đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại’, các cơ quan thực thi pháp luật đã xem xét rất kỹ và đưa ra mức hình phạt phù hợp, để những đối tượng hối cải có điều kiện hoàn lương. Tôi đồng tình với tính chất nhân văn, nhân đạo của cơ quan tố tụng trong vụ án này, và mong muốn những người đã may mắn nhận được đề nghị chuyển đổi tội danh, hãy biết nhận ra lẽ phải, biết cúi đầu trước tội lỗi mình đã gây ra…

Đề nghị của Viện kiểm sát thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, và hết sức nhân văn

Bà Đoàn Thị Loan, tổ dân phố 12, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội

Bà Đoàn Thị Loan, tổ dân phố 12, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội

Trong phiên tòa xét xử nhóm đối tượng “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, căn cứ vào hành vi của các bị cáo, VKS đã đề nghị chuyển tội danh cho 19 bị cáo thuộc nhóm đối tượng từ tội 'Giết người' sang 'Chống người thi hành công vụ' với tình tiết định khung là có tổ chức; đồng thời VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo này, bởi phần lớn họ đều là nông dân thiếu hiểu biết về pháp luật, bị nhóm đối tượng chính lôi kéo, xúi giục tham gia.

Ở vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, hành vi của bị cáo Lê Đình Doanh được xác định là hết sức dã man; đối tượng có tiền án. Nhưng vì bố của Doanh là Lê Đình Công đã bị đề nghị mức án tử hình, bị cáo thể hiện sự ăn năn hối cải, nên VKS đã nhận định không nhất thiết phải loại ra khỏi đời sống xã hội. Điều này thể hiện tính khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với cá nhân đã biết sai, và cúi đầu nhận lỗi.

Cá nhân tôi nhận thấy đây là đề nghị hết sức nhân văn của cơ quan công tố, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng có sự khoan hồng đối với các bị cáo, để họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Đây cũng là bài học đắt giá, có tính chất răn đe, phòng ngừa, mà mỗi bị cáo cần nhận thức sâu sắc.