Đề nghị cho phép doanh nghiệp chủ động quyết định nguồn vốn, lãi suất cho vay với công ty con

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  "Đề nghị cho phép doanh nghiệp chủ động quyết định nguồn vốn và lãi suất cho vay đối với công ty con, đồng thời đảm bảo việc cho vay không bị điều chỉnh bởi quy định pháp luật khác"...

Cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, dự thảo thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số quốc gia. Dự thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng từ các đại biểu Quốc hội, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và hoàn thiện dự án luật.

Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Điều 11, đại biểu đồng tình với chỉ đạo rà soát, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định các lĩnh vực mà Nhà nước cần đầu tư để thành lập doanh nghiệp hoặc bổ sung vốn. Tuy nhiên, cần phân định rõ các điều kiện đầu tư vốn để tránh vướng mắc trong thực hiện, như thế nào là ứng dụng công nghệ cao hoặc đầu tư lớn.

Thực tế, doanh nghiệp nhà nước khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tăng vốn điều lệ thường phải giải trình bổ sung, đảm bảo tuân thủ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11, bao gồm công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) phát biểu

Để tránh nhầm lẫn rằng doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng một trong các phạm vi này để tăng vốn, đại biểu đề nghị chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 11 thành hai điểm riêng: Một là, doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao; Hai là doanh nghiệp đầu tư lớn, xây dựng công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, nhằm nâng cao tính minh bạch và khả thi.

Về nguyên tắc huy động vốn, cho vay vốn tại khoản 3 Điều 18, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà ủng hộ phương án 1, cho phép doanh nghiệp quyết định cho các công ty con do doanh nghiệp nắm trên 50% vốn điều lệ vay vốn, với giá trị một lần vay không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và tổng giá trị khoản vay, cho vay không vượt quá số vốn góp thực tế.

Quy định này giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tận dụng năng lực, phát huy tối đa nguồn vốn nhàn rỗi, hỗ trợ công ty con trong sản xuất kinh doanh. Việc tập đoàn, tổng công ty thu xếp vốn cho công ty con còn giúp công ty con tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý hơn so với tự huy động, nhờ hệ số tín dụng tốt của công ty mẹ.

“Tôi đề nghị bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp chủ động quyết định nguồn vốn và lãi suất cho vay đối với công ty con, đồng thời đảm bảo việc cho vay không bị điều chỉnh bởi pháp luật khác, không yêu cầu bổ sung ngành nghề kinh doanh hay xin giấy phép như tổ chức tín dụng” - đại biểu nói.

Về chuyển nhượng dự án đầu tư, vốn đầu tư tại doanh nghiệp, tại khoản 3 Điều 20 quy định, doanh nghiệp chỉ được chuyển nhượng cổ phần trên sàn chứng khoán qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có thể chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thông qua đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, hoặc thỏa thuận ngoài sàn. Để kế thừa quy định này và tránh vướng mắc, đại biểu đề nghị bổ sung vào điểm b khoản 3 Điều 20 cụm từ “hoặc các phương thức khác do Chính phủ quy định”.