Đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ

ANTĐ -Sáng 1-6, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn có những ý kiến khác nhau của dự thảo…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý, về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, qua thảo luận vẫn còn có ý kiến khác nhau. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo, nghĩa là không quy định cụ thể trong luật số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ. Bởi việc không quy định cứng về các nội dung này sẽ tạo điều kiện để Quốc hội chủ động hơn trong việc quyết định cơ cấu của Chính phủ, bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình, phù hợp với thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) 

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho sắp xếp lại các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ phù hợp với Điều 95 của Hiến pháp về chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của Chính phủ; lược bỏ các nội dung trùng lặp.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cần chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo hướng cụ thể hóa những nội dung quy định tại Điều 96 của Hiến pháp; đồng thời, bỏ quy định về thẩm quyền chung tại Điều 6 của Dự thảo Luật trình Quốc hội để tránh trùng lặp; bổ sung công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và thi hành án...

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào Điều 28 quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn, Điều 29 quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc cụ thể hóa quy định tại khoản 6 Điều 98 của Hiến pháp về chế độ báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết, nên đề nghị chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng quy định về trách nhiệm báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và nhân dân.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy, việc luật điều chỉnh cơ cấu, tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết để bảo đảm cho cơ cấu, tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ được thực hiện thống nhất. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ.

Về số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Có ý kiến đề nghị không quy định “cứng” trong Luật về nội dung này. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết. Song tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá 5 người, trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao là không quá 6 người.

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Chính phủ, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo. Nội dung thảo luận tập trung vào một số vấn đề như cơ cấu tổ chức của Chính phủ, của Bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng cấp phó của các Bộ, cơ quan...

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phát biểu

Theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, cần quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ cho tương xứng với quyền hạn, ngoài trách nhiệm báo cáo công tác. Chế độ báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng, các Bộ trưởng là cần thiết, song cần quy định rõ hơn về phương thức, thời gian thực hiện để đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Chu Sơn Hà (TP. Hà Nội) phát biểu

ĐB Chu Sơn Hà - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội  TP. Hà Nội đồng tình với báo cáo giải trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về nhiều nội dung. Tuy vậy, ĐB Chu Sơn Hà cũng đề nghị cần rà soát lại các chế định trong Dự thảo để phù hợp với Hiến pháp 2013. Về số lượng Thứ trưởng, các Bộ tối đa là 5 Thứ trưởng, riêng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an không quá 6 Thứ trưởng. Với Bộ Ngoại giao cần quy định “mềm”: Số lượng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao do Chính phủ đề nghị căn cứ trên yêu cầu đối ngoại của Nhà nước. Bên cạnh đó, Dự thảo cần làm rõ địa vị pháp lý của Văn phòng Chính phủ.

Đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ ảnh 4

ĐB Đinh Xuân Thảo phát biểu

ĐB Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng, cần xem xét, cơ cấu lại quy định về quyền quản lý phát triển kinh tế vì quy định trong dự thảo chưa làm rõ quản lý kinh tế tổng hợp với kinh tế ngành.