Để nghệ sĩ khó khăn "chạm tay" tới gói trợ cấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngay khi Hà Nội thực hiện chính sách trợ cấp khó khăn cho các viên chức hạng IV là đạo diễn, diễn viên và họa sĩ trong các đơn vị nghệ thuật công lập, dư luận lại "nóng lên" khi các nghệ sĩ nổi tiếng, thu nhập khá nhận trợ cấp, trong khi nhiều nghệ sĩ nghèo, gặp muôn vàn khó khăn trong đại dịch lại chưa có cơ hội tiếp cận tới gói hỗ trợ.

99 viên chức của 6 nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận trợ cấp khó khăn gồm: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội và Nhà hát Múa rối Thăng Long. Mức hỗ trợ là mỗi người 3.710.000 đồng.

Sẽ chẳng có gì ồn ào nếu trong danh sách này không có sự xuất hiện của dàn diễn viên nổi tiếng, thường xuyên lên sóng phim giờ vàng và cả đắt show quảng cáo như: Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh... Sự việc gây ngỡ ngàng cho cả giới nghệ sĩ Hà Nội, thậm chí cả những người trong cuộc là các nghệ sĩ kể trên.

NSND Quốc Anh, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng, tiêu chí hỗ trợ cho diễn viên, đạo diễn, họa sĩ hạng IV khá bất cập vì có nhiều diễn viên hạng IV công tác lâu năm, lương bằng với diễn viên hạng III, thu nhập cao hơn nhưng lại được hỗ trợ.

Hơn thế, trong nhà hát không chỉ có diễn viên mà còn có nhân viên hậu đài, phục trang, ánh sáng... Đây là những người gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát với đồng lương eo hẹp, không có bồi dưỡng thêm. Nhưng căn cứ theo tiêu chí đưa ra thì họ lại không nằm trong diện được trợ cấp. Vì vậy, NSND Quốc Anh cho rằng, cần phải rà soát lại để chính sách đến đúng đối tượng.

Diễn viên Hồng Đăng từng cho biết anh khá bất ngờ khi có tên trong danh sách hỗ trợ, anh gửi lại nhà hát Kịch Hà Nội số tiền trợ cấp, để có thể tiếp tục hỗ trợ những nghệ sĩ có hoàn cảnh thực sự khó khăn

Diễn viên Hồng Đăng từng cho biết anh khá bất ngờ khi có tên trong danh sách hỗ trợ, anh gửi lại nhà hát Kịch Hà Nội số tiền trợ cấp, để có thể tiếp tục hỗ trợ những nghệ sĩ có hoàn cảnh thực sự khó khăn

NSƯT Nguyễn Thị Lục Huyền, Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật thể nghiệm (Nhà hát Tuồng Việt Nam) cho rằng, tiêu chí đưa ra không sát sao. Bởi có những nghệ sĩ sắp về hưu, lương cao hơn các diễn viên trẻ nhưng vẫn được nhận gói hỗ trợ. Họ là lương bậc IV, còn những bạn diễn viên trẻ đang gặp rất nhiều khó khăn mới là lương bậc III, có bằng Đại học.

NSƯT Nguyễn Thị Lục Huyền cho biết thêm, từ khi phải nghỉ ở nhà vì dịch bệnh, không biểu diễn, không tập luyện, chị phải xoay xở lên mạng xem ai có nhu cầu mua rau, củ, quả rồi về quê lấy hàng mang ra bán cho mọi người. Cũng gọi là có thêm vài đồng chứ cũng không nhiều nhặn gì, nhưng cũng là sống qua ngày.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, diễn viên xiếc đều tốt nghiệp hệ Trung cấp. Có những người làm nghề 7-8 năm, vất vả khó khăn nhưng không được vào biên chế, cũng không được chuyển ngạch lương do chỉ tốt nghiệp Trung cấp. Họ không phù hợp với tiêu chí nên không được hỗ trợ. Chưa kể những diễn viên trẻ mới ra trường, người làm phần hậu đài, phục trang... cũng không được hỗ trợ lần này.

NSƯT Lục Huyền, Nhà hát Tuồng Việt Nam

NSƯT Lục Huyền, Nhà hát Tuồng Việt Nam

NSND Tống Toàn Thắng nêu ý kiến, khi đưa ra tiêu chí diễn viên bậc IV cũng đã phải tính toán kỹ, chỉ xét trên mức thu nhập ở đơn vị Nhà nước. Còn họ có thu nhập thêm bên ngoài ít hay nhiều thế nào khác cũng không thống kê được.

Diễn viên Trần Hiền, Nhà hát Chèo Việt Nam cho hay, cô không được hưởng gói hỗ trợ chỉ bởi có bằng Đại học và hưởng lương ngạch III. Trong khi cuộc sống của cô cũng rất khó khăn là người ngoại tỉnh, từ Tuyên Quang xuống theo đuổi nghề diễn, phải thuê nhà.

Diễn viên chèo Trần Hiền bộc bạch thêm, hiện tại, Nhà hát Chèo Việt Nam không chỉ riêng cô mà còn nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng không "chạm tay" đến gói hỗ trợ.

"Việc hỗ trợ các nghệ sĩ là điều đáng mừng nhưng những bất cập trên khiến người nghệ sĩ nghèo thực sự sẽ bị thiệt thòi", diễn viên chèo Trần Hiền chia sẻ.

Điều 14 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Nội vụ ban hành như sau:

Đối với chức danh đạo diễn nghệ thuật

- Chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng I (mã số V.10.03.08) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng II (mã số V.10.03.09) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng III (mã số V.10.03.10) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV (mã số V.10.03.11) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

b) Đối với chức danh diễn viên

- Chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng I (mã số V.10.04.12) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng II (mã số V.10.04.13) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2) từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38;

- Chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng III (mã số V.10.04.14) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV (mã số V.10.04.15) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.