Để nghề nông dễ sống

ANTĐ - Chỉ khi nền kinh tế khó khăn, có doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản, hàng tồn kho tăng cao, sức mua thị trường giảm sút, thì sản xuất nông nghiệp mới thực sự được đánh giá là “bệ đỡ” của nền kinh tế, góp phần đáng kể kiềm chế lạm phát, đảm bảo cung cấp nhu cầu lương thực, thực phẩm của toàn xã hội. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông”, thực trạng và thực lực nền nông nghiệp, nông dân như thế nào? Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban chỉ đạo về “tam nông” vừa có cuộc kiểm tra thực tế, đánh giá việc thực hiện chính sách.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhận xét, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong đó có chính sách cho vay vốn. Hiệu quả là rất tốt, tỷ lệ trả nợ đúng hạn cao, nợ xấu thấp. Song, nguồn vốn đến tay nông dân còn vướng một số rào cản khó vượt. Đó là: rủi ro nông nghiệp rất lớn, ảnh hưởng của ngoại cảnh tới 50-60%, trong khi quy mô cho vay nhỏ lẻ, mặc dù đã có quy định nông dân vay vốn dưới 50 triệu đồng không phải thế chấp, nhưng ngân hàng vẫn bắt phải thế chấp quyền sử dụng đất. Về phía nông dân, do cơ chế, thủ tục cho vay phức tạp nên họ chạy đến tín dụng “đen” với lãi suất “cắt cổ”. Ông Chủ tịch Hội chỉ rõ, nếu là nông dân chuyên nghiệp thì nghề nông phải đủ nuôi sống họ, chứ không phải một năm chỉ làm nông khoảng 100 ngày, thời gian còn lại phải nhoài ra thành phố kiếm sống. Ngay cả nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội, TP.HCM cũng rơi vào tình trạng “ba thiếu”: thiếu vốn, thiếu trình độ học vấn, hiểu biết về khoa học và thiếu việc làm. 

Báo cáo kết quả điều tra 37.000 hộ gia đình nông thôn ở 11 địa phương cho thấy, các hộ ở phía Bắc có mức độ tiếp cận thị trường đầu vào và bán nông sản sau thu hoạch thấp hơn so với các hộ nông dân phía Nam. Cản trở lớn nhất đối với nguồn lực lao động nông thôn nước ta là khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay để mua đầu vào như vật tư nông nghiệp, cây, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu… Đầu ra sau thu hoạch thì thiếu khả năng sơ chế, chế biến, chi phí vận tải cao lại thiếu thông tin về giá cả thị trường, trong khi luôn bị thương lái, đầu nậu ép giá. Đó là chưa kể hàng loạt vụ bị thương lái Trung Quốc lũng đoạn, lừa thu mua hàng hóa nông sản từ khoai lang, sắn cho tới thủy hải sản. Mặc dù tỷ lệ các hộ gặp phải những “cú sốc” trong năm 2012 giảm so với năm 2010, nhưng mức độ thiệt hại lại lớn tới 15%. Số liệu điều tra cho thấy, các hộ sống chủ yếu bằng nông nghiệp có tỷ lệ rủi ro cao nhất, lên tới 46%. Trả lời cho câu hỏi yếu tố nào quyết định mang lại thu nhập ổn định, chắc chắn, có hơn một nửa số hộ cho là cần cù, chăm chỉ là quan trọng nhất, chỉ có khoảng 1/5 coi giáo dục, khoa học, kỹ thuật là quyết định.

“Tam nông” là một chính sách, một chiến lược với chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm tạo dựng một nền móng vững chắc cho công cuộc công nghiệp hóa. Còn rất nhiều việc phải làm, nhiều giải pháp thực thi, song để đạt được mục tiêu lớn, điều cốt lõi là làm sao để nghề nông có thể nuôi sống nông dân, sau đó mới tính đến chuyện làm giàu.