Để mỗi người dân là một lính cứu hỏa

ANTD.VN -“Muốn làm được việc này nhiệm vụ đầu tiên phải đổi mới công tác tuyên truyền và coi nhiệm vụ tuyên truyền là một trong những biện pháp kiềm chế cháy nổ trên địa bàn”- Trung tá Trần Văn Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 9- Hà Đông cho biết.

“Mưa dầm thấm lâu”

Theo Trung tá Trần Văn Hùng, để người dân nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho chính bản thân đã là câu chuyện không hề đơn giản. Vì thế, tuyên truyền để người dân hiểu được phải đổi mới cách thức, thường xuyên liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đồng thời nâng cao nhận thức về an toàn PCCC, chỉ huy phòng Cảnh sát PCCC số 9 đã có kế hoạch chi tiết, cụ thể cho từng đội, cử cán bộ thường xuyên rà soát, kiểm tra nắm chắc địa bàn. Sau đó phân chia lịch cụ thể tổ chức tuyên truyền theo khu, theo nhóm, cùng với đó là phát các tờ rơi, in pano tại các tòa chung cư cao tầng.

Nhiệm vụ tưởng như đơn giản nhưng nếu không kiên trì thì kém hiệu quả, bởi vì không phải người dân nào cũng nhớ, cũng thực hiện mặc dù được tuyên truyền, tập huấn nhiều lần rồi.

Phòng Cảnh sát PCCC số 9 đã tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho cán bộ, giáo viên Trường mầm non Quang Trung và các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội

Ví dụ, từ công tác rà soát, cán bộ địa bàn nắm được khu đô thị Xa La, Hà Đông có nhiều nhà cao tầng, hơn nữa lại đa phần dân cư dùng bếp gas, còn lại dùng bếp từ. Từ thực tế đó, cán bộ tuyên truyền phải chia ra thành 2 mảng tuyên truyền theo chuyên đề khác nhau.

Đối với hộ dân dùng gas cần phải đảm bảo an toàn như khóa van khi bình gas khi không sử dụng, thường xuyên kiểm tra đường dẫn gas thường xuyên kịp thời phát hiện thay thế hư hỏng. Điều quan trọng nhất, đối với mỗi hộ dân phải tự trang bị cho mình bình cứu hỏa xách tay để khi phát hiện cháy là dập được ngay từ ban đầu.

Về phần điện sinh hoạt trong gia đình, đối với mỗi hộ dân cần loại bỏ những mối lối trong đường dây dẫn điện cho thiết bị có công suất lớn. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra thiết bị điện như điều hòa, quạt, máy giặt, tủ lạnh… đây là những thiết bị có thể cháy, nổ bất cứ lúc nào nếu như việc kiểm tra, bảo dưỡng không đúng định kỳ…

Nắm bắt được thói quen sinh hoạt của người dân, vì thế mỗi cán bộ PCCC luôn phải tự thân đổi mới công tác tuyên truyền cho từng nhiệm vụ cụ thể. Ví dụ trong lần xuống khu dân cư, phát hiện bà con để tủ giầy che ổ điện cán bộ có thể giải thích như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy bởi khi tia lửa điện đánh vào các vật dụng chất liệu tất, giầy…

Với những nội dung tuyên truyền thiết thực, cụ thể, trực quan, các chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC số 9 đã chuyển tải cho bà con những kiến thực cơ bản để phòng ngừa cháy, nổ. Để khi gặp sự cố là có thể tự xử lý ngay được, hoặc có ý thức hơn là cẩn trọng mỗi khi sử dụng điện, tắt khi không sử dụng.

Phòng Cảnh sát PCCC số 9 phối hợp với UBND phường Dương Nội và UBND phường Đồng Mai, quận Hà Đông tổ chức tuyên trền về PCCC đối với các tổ dân phố trên địa bàn phường

Phát huy sức mạnh toàn dân 

Từ những nhiệm vụ cụ thể, hiệu quả trong công tác đổi mới tuyên tryền, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đánh giá Phòng Cảnh sát PCCC số 9 là một trong những đơn vị làm rất tốt công tác tuyên truyền PCCC.

Hiện đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác PCCC trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ. Với nhiệm vụ trên, đơn vị đã nghiên cứu, tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền về PCCC đạt hiệu quả tích cực, thay đổi hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Cùng với đó, đơn vị đã trực tiếp tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận, huyện để chỉ đạo các phường, xã, mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi hướng dẫn về công tác PCCC phù hợp đến từng cơ sở, cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn quản lý.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Đài phát thanh và Trung tâm văn hóa thông tin quận, huyện tổ chức tuyên truyền PCCC trên hệ thống loa, đài và các buổi sinh hoạt cộng đồng.

Chỉ riêng việc tuyên truyền trên đài phát thanh, hàng tháng tổ chức phát trung bình khoảng 50 giờ tuyên truyền kiến thức PCCC đến với mỗi người dân.

Phòng Cảnh sát PCCC số 9 tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho cán bộ giáo viên, sinh viên Trường Đại học Thành Tây (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội

Trong 9 tháng đầu năm 2017, đã phối hợp với chủ đầu tư của 77 công trình nhà cao tầng biên soạn nội dung kiến thức PCCC, kỹ năng thoát nạn niêm yết tại các nơi tập trung đông người trong các tòa nhà; mở 122 lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng thoát nạn để tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho từng đội PCCC cơ sở và đội PCCC dân phòng trên địa bàn quản lý.

 Hiện nay, việc đọc thông tin qua báo giấy, tờ rơi của con người ngày càng hạn chế, nhu cầu cập nhật tin tức qua mạng từ trang Web, facebook, hòm thư ngày càng nhiều. Nắm bắt được xu hướng như vậy, Phòng Cảnh sát PCCC số 9 đã thành lập trang mạng facebook (https://www.facebook.com/pccc9/) và hòm thư (homthutuyentruyenso9@outlook.com) của đơn vị với mục đích giới thiệu đơn vị đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền về PCCC.

Đơn vị đã thành lập Tổ thông tin mạng để biên soạn nội dung, quản lý trang mạng và trực tiếp trả lời phúc đáp trên facebook và hòm thư mạng trong lĩnh vực PCCC.

Tổ thông tin mạng thường xuyên cập nhật kiến thức mới, kỹ năng về công tác PCCC, các hình ảnh, video tuyên truyền, khuyến cáo về công tác PCCC, thoát nạn trong đám cháy để cập nhật trên trang facebook của đơn vị nhằm tuyên truyền tới mọi người truy cập, đồng thời Tổ biên soạn là những người được giao nhiệm vụ trả lời trực tiếp câu hỏi, thắc mắc về công tác PCCC qua tin nhắn, comment, thư của bạn đọc, tập hợp các ý kiến góp ý, thắc mắc của người dân về công tác PCCC để báo cáo Lãnh đạo đơn vị chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả.

Phòng Cảnh sát PCC số 9 tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho Đội PCCC cơ sở và tổ chức thực tập phương án chữa cháy phối hợp tại Công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức Việt Nam, KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội

Ngoài số điện thoại báo cháy mọi người thường biết là số “114”, Phòng Cảnh sát PC&CC số 9 đã ban hành số điện thoại đường dây nóng “0996.965.114” để tiếp nhận tất cả các ý kiến phản hồi về công tác PCCC của đơn vị cũng như các câu hỏi thắc mắc liên quan đến lĩnh vực PCCC.

Với việc thường xuyên, nghiên cứu đổi mới các hình thức tuyên truyền PCCC đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, Phòng Cảnh sát PC&CC số 9 đã cơ bản đưa được các kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn trong đám cháy cần thiết nhất đến tới từng cơ sở, cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ.

Từ đó, tình hình cháy trên địa bàn đã được kiểm soát đáng kể, trong 9 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ xảy ra 30 vụ cháy (trong đó có 02 vụ cháy lớn và 28 vụ cháy nhỏ) giảm rất nhiều so với cùng thời điểm 9 tháng đầu năm 2016 (tổng 77 vụ cháy, trong đó có 67 vụ cháy nhỏ và 10 vụ cháy trung bình và cháy lớn).