Để mỗi chiến sỹ Cảnh sát cơ động là một tấm gương đẹp trong ứng xử với nhân dân

ANTD.VN - Nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của CBCS đối với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng phong cách, bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng, tư thế lễ tiết tác phong ứng xử văn hóa, văn minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, sáng 29-8, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ), CATP Hà Nội đã tổ chức chương trình tập huấn về văn hóa ứng xử đối với CBCS trong lực lượng CSCĐ Thủ đô.

CBCS Cảnh sát cơ động Thủ đô tham gia chương trình tập huấn văn hóa ứng xử

Trung đoàn Cảnh sát cơ động là “Quả đấm thép” của Công an Hà Nội trong sự nghiệp bảo đảm an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Để có được điều đó, trong những năm qua Trung đoàn đã làm tốt công tác xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBCS, xây dựng và thực hiện nghiêm túc “Quy tắc ứng xử và văn hóa giao tiếp trong lực lượng CSCĐ Thủ đô”.

Ông Nguyễn Văn Hậu, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia truyền đạt các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử 

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát cơ động trong quá trình làm nhiệm vụ thường xuyên tiếp xúc, xử lý các trường hợp phức tạp, mỗi đối tượng đều có tâm lý và văn hóa giao tiếp ứng xử khác nhau. Số đối tượng vi phạm pháp luật, đối tượng hình sự, ma túy, mại dâm… thường rất lì lợm, che giấu hành vi phạm tội, thậm chí sẵn sàng to tiếng, chửi mắng lực lượng làm nhiệm vụ khi “xin xỏ” không được.

Lực lượng CSCĐ trong quá trình làm nhiệm vụ thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, cần sự khôn khéo, đúng mực trong từng tình huống

Vì vậy, chương trình tập huấn sẽ góp ích không nhỏ, giúp các CBCS trẻ có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, giao tiếp với nhân dân phù hợp, đúng mực.

Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Văn Hậu, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia đã truyền đạt các vấn đề xung quanh văn hóa giao tiếp, ứng xử. Đánh giá thực trạng đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trong quan hệ ứng xử với đồng chí, đồng đội của CBCS. Từ đó, truyền đạt các quy tắc ứng xử cơ bản nhất nhằm xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân nhân văn, thân thiện.

Cùng với đó, nhiều chiến sỹ trẻ đã phát biểu trao đổi về một số tình huống cụ thể khi gặp phải trong quá trình công tác và đón nhận được nhiều quan điểm, cách giải quyết của CBCS trong đơn vị. Tại đây, ông Nguyễn Văn Hậu cũng đã đưa ra một số hướng gợi ý giải quyết vấn đề hiệu quả. Điều này đã góp phần không nhỏ, giúp các chiến sỹ trẻ học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu mỗi cán bộ, chiến sỹ  phải nghiêm túc xem lại văn hóa ứng xử của mình, từ suy nghĩ đến hành động, từ lời nói đến tác phong sinh hoạt cho đến cách ăn, cách ở; phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng văn hóa ứng xử ngay từ mỗi gia đình, đối với cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè đến cơ quan, xã hội, nhân gian; là tấm gương đẹp, là công dân mẫu mực ở tổ dân phố, nơi mình cư trú; hành xử như một người có văn hóa cao trong xã hội. Có như thế mới xứng đáng là người chiến sỹ tận tụy, trung kiên trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc.