Để lụa tơ sen Phùng Xá bay cao, vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiều năm dồn nhiều tâm huyết, tìm tòi và dệt thành công lụa tơ sen, Nghệ nhân Phan Thị Thuận mong muốn sự chung tay để sản phẩm độc đáo làng nghề Phùng Xá phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà còn vươn xa ra thế giới.

"Ước nguyện lớn nhất của tôi là làm sao sản phẩm lụa của dòng họ, của quê hương Phùng Xá hiện diện trong cuộc sống người Việt và vươn xa ra thị trường thế giới, từ vật dụng nhỏ nhất cho đến những sản phẩm đẳng cấp, hiện diện nơi trang trọng nhất", Nghệ nhân Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, bày tỏ tại Tọa đàm “Nghệ nhân Phan Thị Thuận - Tơ sen - Thực trạng và giải pháp vươn mình ra thế giới” do Câu lạc bộ doanh nhân họ Phan miền Bắc phối hợp với một số đối tác tổ chức ngày 19-1.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận (bên trái) giới thiệu sản phẩm với đối tác, du khách

Nghệ nhân Phan Thị Thuận (bên trái) giới thiệu sản phẩm với đối tác, du khách

Lụa tơ sen - "đặc sản" làng nghề Phùng Xá

Làng nghề dệt lụa Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) từng được xem là cái nôi của nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống, sau nhiều năm duy trì, phát triển nghề dệt lụa tơ tằm, từ 2017, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã tìm tòi, dệt thành công và đưa dần các sản phẩm lụa từ tơ sen ra thị trường.

So với lụa truyền thống từ tơ tằm vốn đã phổ biến từ hàng nghìn năm, lụa tơ sen "sinh sau nở muộn" song được đánh giá cao ở sự độc đáo, giá trị văn hóa cũng như giá trị thẩm mỹ, thân thiện với người dùng và môi trường. Để làm ra một chiếc khăn lụa dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen và một người thợ lành nghề chăm chỉ, tỉ mỉ làm việc trong hơn một tháng.

Khách tham quan, trải nghiệm các sản phẩm lụa tại làng nghề Phùng Xá

Khách tham quan, trải nghiệm các sản phẩm lụa tại làng nghề Phùng Xá

"Tơ sen như mạch máu con người vậy, giúp cho thân sen thẳng, đứng vững trước gió mưa. Mỗi cuống sen cho ra khoảng 100 sợi tơ. Đặc biệt, tất cả cuống sen phải được xử lý trong tối đa 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ đứt sợi, hỏng hoàn toàn. Sợi tơ sen rất mảnh, dễ đứt nên phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được. Tơ rút xong được cho vào ống và đưa vào guồng se cho sợi tơ săn chắc lại. Những sợi tơ sen đạt chuẩn được đưa vào khung cửi để dệt thành những tấm lụa hoàn chỉnh", Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ, và cho biết mỗi chiến khăn thành phẩm được bán với giá trên 10 triệu đồng.

Sản phẩm lụa tơ sen của doanh nghiệp do bà Thuận làm chủ, đại diện cho làng nghề Phùng Xá bước đầu đặt dấu ấn trên trường quốc tế. Những chiếc khăn dệt từ tơ sen được Văn phòng Chính phủ đặt hàng để Thủ tướng mang đi nước ngoài làm quà tặng tại cuộc họp G20 và thăm Nhật Bản năm 2019. Tại cuộc thi hoa hậu quốc tế Miss International 2024 tại Nhật Bản, sản phẩm lụa tơ sen Phùng Xá được quảng bá rộng rãi với bạn bè thế giới thông qua "Lụa nàng sen" - trang phục cảm hứng về nghề dệt truyền thống do Bùi Công Thiên Bảo thiết kế được hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy trình diễn tại phần thi National Costume. Thanh Thủy sau đó đăng quang cuộc thi nhan sắc danh giá này.

"Vượt lũy tre làng ra biển lớn"

Việt Nam hiện nằm trong số ít quốc gia có nghề dệt vải từ tơ sen (trước đó có Myanmar, Nhật Bản, Italy, Pháp, Campuchia). Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Giá trị xuất khẩu tơ lụa năm 2022 đạt 70 triệu USD. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ, chiếm tỷ trọng hơn 90%.

Những năm qua, tơ sen đã được Nhà nước quan tâm, đầu tư phát triển. Năm 2023, các sản phẩm: khăn lụa tơ sen, tranh lụa thêu tơ sen,... của làng nghề được đánh giá, phân hạng trong chương trình OCOP. "Đặc sản" của Phùng Xá dần được biết đến rộng rãi, song xét về quy mô, mức độ phát triển vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Tiến sỹ Đào Trọng Chương chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, mong muốn lụa tơ sen của Phùng Xá và Việt Nam nói chung sớm vươn ra thị trường quốc tế

Tiến sỹ Đào Trọng Chương chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, mong muốn lụa tơ sen của Phùng Xá và Việt Nam nói chung sớm vươn ra thị trường quốc tế

Sản phẩm lụa trên đường làng Phùng Xá

Sản phẩm lụa trên đường làng Phùng Xá

Sẵn sàng truyền nghề miễn phí cho những ai muốn học, điều mà Nghệ nhân Phan Thị Thuận mong muốn đó là được kết nối, hỗ trợ để tạo đầu ra rộng hơn, giúp sản phẩm "vượt lũy tre làng, vươn ra biển lớn".

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Tiến sỹ Đào Trọng Chương - Nguyên trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ - đánh giá sản phẩm lụa tơ sen của Nghệ nhân Phan Thị Thuận có tiềm năng rất lớn để vươn tầm quốc tế.

Hiện tại, các nghệ nhân, doanh nghiệp, làng nghề đã được địa phương, Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường ra nước ngoài. Tuy nhiên, để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung, sản phẩm tơ sen, tơ tằm vươn mình ra “biển lớn” quốc tế, thì bên cạnh yếu tố độc đáo, việc sản xuất tơ cần phải nâng tầm công nghệ, bắt kịp thời đại.

Bên cạnh đó, thị trường nguyên liệu cần mở rộng, để đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, công ty cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ, máy móc rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.

Cuối cùng, cần đảm bảo chế độ an sinh, xã hội cho những người thợ làm các sản phẩm tơ sen, tơ lụa an tâm gắn bó với nghề.