Để lọt thuyền viên, lái tàu không phép: Hậu quả khó lường!

ANTĐ - Hàng loạt vụ tai nạn đường thủy liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây dù không gây thiệt hại về người nhưng đã để lại hậu quả nặng nề về kinh tế. Những vụ lái tàu không giấy phép điều khiển sà lan hết hạn đăng kiểm đâm sập cầu cho thấy, công tác đào tạo, quản lý thuyền viên đang bị buông lỏng. 

Để lọt thuyền viên, lái tàu không phép: Hậu quả khó lường! ảnh 1Sơ hở trong công tác quản lý thuyền viên, dẫn tới hậu quả lớn khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy 

Nhiều lực lượng quản lý nhưng vẫn có thể “lách”

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng, trong công tác đảm bảo ATGT đường thủy, quản lý thuyền viên vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Thuyền viên phải được đào tạo nghiêm túc, bài bản để khi lái tàu có thể xử lý tốt các tình huống tránh để xảy ra tai nạn.

Dù vậy, lãnh đạo Cục này thừa nhận, thực tế, ngành đường thủy đang không quản lý được thuyền viên. Cụ thể, đáng ra, sổ thuyền viên, giấy chứng nhận chứng chỉ thuyền viên khi tàu đến bến, cảng phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nhưng hiện nay, các thủ tục, văn bản pháp luật lại quy định chủ phương tiện được quyền tự khai báo thuyền viên, người lái. “Cục Đường thủy chỉ kiểm tra trên sổ sách, giấy tờ, nếu chủ phương tiện khai báo không xác minh, thì cũng không thể kiểm soát được thuyền viên đi con tàu đó”, ông Hoàng Hồng Giang nhìn nhận.

 Ngoài ra, hệ thống quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảng vụ, thanh tra đường thủy cũng tạo ra những bất cập trong quản lý, giám sát hoạt động của tàu thuyền. Đơn cử như trong vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh, chủ phương tiện lấy hàng ở các mỏ trái phép trong khi lực lượng cảng vụ không hoạt động trên các bến, bãi không phép này.  Còn thanh tra giao thông đường thủy chỉ kiểm tra khi tàu dừng lại (kiểm tra tĩnh).

Theo ông Hoàng Hồng Giang, mặt sông hiện nay có rất nhiều lực lượng tham gia quản lý. Địa phương quản lý bờ sông, đường thủy thì quản lý luồng lạch chạy tàu giữa sông… “Ở Trung ương có cảng vụ đường thủy nội địa khu vực (Cục Đường thủy nội địa), địa phương cũng có cảng vụ. Về luồng tuyến cũng vậy, Cục chỉ quản lý các tuyến giao thông chính, còn địa phương quản lý luồng, lạch, tuyến kênh địa phương. Các đối tượng lợi dụng sự bất cập này để lách”, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa cho hay.

Đường thủy phải “vươn tay” dài hơn

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, hiện nay, Cục Đường thủy nội địa quản lý địa bàn rất rộng nhưng chỉ có 4 cảng vụ và 90 đội thanh tra. Toàn quốc hiện có 80.000km sông kênh, trong đó có 6.500km sông lớn. Toàn ngành đường thủy chỉ có 2.000 người. Như vậy, một cán bộ đường thủy phụ trách đến 3km sông. “Các vụ TNGT đường thủy thời gian gần đây có nguyên nhân chính do “lỗ hổng” trong quản lý người lái, phương tiện, phao tiêu, biển báo đường thủy tại địa phương. Song trách nhiệm này là của Bộ GTVT, không thể đổ cho địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, hoạt động quản lý Nhà nước hiện vẫn chưa thể “vươn tay” đến tất cả con sông có vận tải đường thủy. Do đó, Cục Đường thủy nội địa phải phối hợp với địa phương tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện, doanh nghiệp vận tải vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhất là đưa tàu cỡ lớn lưu thông trên tuyến sông có cấp kỹ thuật nhỏ hơn. Có thể áp dụng chế tài mạnh như thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, chứng chỉ điều khiển phương tiện.

Bên cạnh đó, Cục Đường thủy Nội địa phải tham mưu cho Bộ GTVT đề nghị địa phương chấn chỉnh lại hoạt động quản lý Nhà nước, để có thể “vươn tay” đến tất cả con sông có vận tải đường thủy. “Cục phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cảng vụ, xử lý nghiêm tập thể và cá nhân để tàu va, đâm vào cầu, nếu liên quan đến địa phương thì phê bình Sở GTVT. Tới đây, Bộ GTVT sẽ làm việc với các địa phương để yêu cầu quản lý đường thủy theo đúng Luật Giao thông đường thủy nội địa”, ông Nguyễn Hồng Trường cho hay.