Để lấy lại niềm tin

ANTĐ - Trong buổi họp trực tuyến với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ đã công bố dự thảo nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Gánh nặng nợ xấu tích tụ trong năm 2012 vẫn đè trĩu vai nền kinh tế trong năm 2013, hơn thế còn cản trở sự phát triển. Thực trạng nợ xấu đã từng được các chuyên gia kinh tế, tài chính “mổ xẻ”, một lần nữa lại được phân tích thấu đáo trong cuộc hội thảo mới đây về bức tranh toàn cảnh ngân hàng năm 2012 và khuyến nghị năm 2013.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, tín dụng của hệ thống ngân hàng giảm rất mạnh, tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Chưa bao giờ tín dụng và GDP tăng thấp như năm 2012. Thực tế nợ xấu của ngân hàng phức tạp hơn, tập trung vào khoảng 6-7 ngân hàng. Theo tính toán sơ bộ, có ngân hàng nợ xấu tới 40% mà “không ai biết gì” và cũng không ai cảnh báo. Theo nhận xét của vị chuyên gia này, điều nguy hiểm hơn là việc quản trị rủi ro của nhiều ngân hàng bị buông lỏng, không theo quy chuẩn, nhất là những ngân hàng từ nông thôn “lên đời” thành thị, hoạt động ở dạng sơ khai. Trong khi đó, nhiều ngân hàng có nợ xấu lớn, song nguồn trích lập quỹ rủi ro rất ít.

Vì vậy, việc xử lý nợ xấu không dễ dàng, một sớm một chiều là dứt điểm được. Vừa qua, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng dẫn đầu đã làm việc với Hà Nội và TP.HCM, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với giải quyết nợ xấu. Thủ tướng đã nhấn mạnh rằng, giải quyết được nợ xấu bất động sản coi như cơ bản giải quyết được nợ xấu của nền kinh tế.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, con số 400.000 tỷ đồng nợ xấu thì tự ngân hàng tái cơ cấu 200.000 tỷ đồng, nợ xấu còn lại khoảng 200.000 tỷ đồng, 70% là bất động sản có tài sản thế chấp. Do đó, phải tháo gỡ nợ xấu ngay từ đầu năm. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản theo hướng cơ cấu lại nợ, đối với 70% nợ xấu có thế chấp thì bán tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro… Đặc biệt, đối với Ngân hàng Nhà nước, sớm hoàn thiện đề án xử lý nợ xấu, trong tháng 1-2013 bắt tay vào triển khai ngay.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp, khả thi nhằm hỗ trợ các hộ dân vay để mua nhà ở xã hội. Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin về các hoạt động, thị trường bất động sản, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, tổng thể các giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, “làm ấm” từng phần thị trường, tiến tới sự lành mạnh hóa hoạt động và phát triển bền vững bất động sản trong năm 2013.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, xử lý nợ xấu không phải không làm được, sẽ xử lý nhanh từ quý I-2013. Một chuyên gia kinh tế cũng đồng tình nhận định, hệ thống ngân hàng đang ốm yếu, nhưng rủi ro lớn nhất là lòng tin thị trường đang ở mức rất thấp. Bởi vậy, dù khó khăn đến mấy cũng không phải không làm được để lấy lại niềm tin.