Để lao động nước ngoài đóng BHXH không dễ

ANTD.VN - Từ ngày 1-1-2018, lao động người nước ngoài tại Việt Nam cũng là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Tuy nhiên nhiều ý cho rằng, việc thực hiện sẽ không dễ dàng.

Để lao động nước ngoài đóng BHXH không dễ ảnh 1

Bắt buộc lao động nước ngoài tại Việt Nam tham gia BHXH được đánh giá là không dễ dàng

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định về đóng BHXH bắt buộc đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài đến Việt Nam làm việc cũng phải tham gia BHXH bắt buộc. 

Đối tượng tham gia BHXH là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên; có giấy phép lao động, hay chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. 

Người lao động nước ngoài phải tham gia 5 chế độ BHXH bắt buộc gồm ốm đau, thai sản, chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Đặc biệt, người lao động nước ngoài cũng được hưởng chế độ BHXH một lần. 

Theo các chuyên gia, trong xu thế hội nhập, lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang tăng nhanh, từ 12.602 lao động năm 2004 đến nay con số này đã gần 84.000 người. Hầu hết là người lao động có trình độ, tay nghề cao, được cấp phép lao động. Chính vì vậy, việc xây dựng quy định đóng BHXH cho nhóm này là điều cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện quy định trên không dễ dàng. Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, dự thảo đang gặp nhiều vướng mắc, như việc thống nhất mức đóng, mức hưởng chế độ BHXH giữa các nước; liên thông dữ liệu giữa các quốc gia; việc chuyển đổi tiền tệ; quy định về thuế...

Tương tự, bà Đinh Thu Hiền, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam góp ý, ngoài quy định việc đóng, quá trình xây dựng Nghị định cần làm rõ việc giải quyết các chế độ bảo hiểm.

Ví dụ như, người nước ngoài đã tham gia BHXH tại nước ngoài, nay tiếp tục tham gia tại Việt Nam thì thời gian ở nước ngoài tính và hưởng như thế nào? Nếu được hưởng thì khi họ đang tham gia tại Việt Nam và đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì việc hưởng và chi trả ra sao? 

“Trường hợp hết thời gian làm việc tại Việt Nam, nếu người lao động không muốn nhận trợ cấp một lần mà muốn chuyển về nước để đóng tiếp thì giải quyết chế độ như thế nào?”, bà Đinh Thu Hiền nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Người nước ngoài đến làm việc có hợp đồng từ 1 tháng trở lên là phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, nhưng nhiều người lại cho rằng như vậy là quá phức tạp và mất thời gian. Vì vậy, thời gian hợp đồng lao động bao nhiêu là phải tham gia BHXH bắt buộc cũng cần bàn thảo thêm”.