Để “kìm cương” lạm phát

ANTĐ - Tăng trưởng GDP quý I-2012 ước đạt 4% là mức thấp nhất so với cùng kỳ năm trước (5,57%) và quý IV-2011 (6,1%), cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ở mức thấp, tồn kho vẫn ở mức cao, tình trạng trì trệ của ngành công nghiệp bộc lộ khá rõ trong cơ cấu xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm. Đặc biệt là sức mua của người dân sụt giảm một cách không bình thường.

Tăng trưởng xuất khẩu vẫn là động lực cho sự phát triển kinh tế, nhưng theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu chỉ tăng 6,9% và thấp hơn so với tốc độ tăng của xuất khẩu. Điều này khiến nhập siêu quý I ở mức thấp, chỉ khoảng 251 triệu USD. Xét về cân đối vĩ mô, mức nhập siêu thấp là đáng mừng, song xét về đặc thù của nền kinh tế nước ta vốn “sống bám” vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất tiêu thụ hoặc sản xuất cho xuất khẩu, thì con số trên lại là dấu hiệu chứng tỏ sự trì trệ của sản xuất trong nước 3 tháng qua. Mặc dù thời gian qua có sự tăng mạnh giá cả các yếu tố đầu vào bao gồm giá điện, giá gas và xăng dầu, thế nhưng mức giá chung lại không tăng đáng kể. Cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng quý I năm nay chỉ ở mức 2,53%, thấp nhất trong gần một thập kỷ qua.

Theo phân tích của một số chuyên gia, sự khác biệt chủ yếu ở thời điểm hiện nay so với các thời điểm tăng giá xăng dầu trong năm 2011 là mức cung tiền trong nền kinh tế. Thông thường tốc độ tăng cung tiền mở rộng tác động tới giá cả có độ trễ khoảng 5 tháng.

Những năm trước, tốc độ tăng cung tiền những tháng trước đó ở mức rất cao khoảng 30%, nên khi tăng giá xăng dầu, sức mua của người dân vẫn còn rất lớn. Người bán hàng cảm nhận được việc tăng giá hàng hóa “ăn theo” giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng ít đến sức mua của người dân. Còn lần này, tốc độ tăng cung tiền mở rộng 5 tháng trước chỉ ở mức 18%, nên sức mua của người dân giảm sút và người bán hàng sẽ bị giảm mạnh doanh thu nếu như tăng giá hàng hóa. Rõ ràng, nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao trong những năm qua là cung tiền mở rộng. Việc những người bán hàng “té nước” theo giá xăng dầu và giá điện chỉ là hệ quả của chính sách nới lỏng tiền tệ trước đó. Vì thế, giới phân tích cho rằng, với chính sách cung tiền thắt chặt từ những tháng cuối năm 2011 đến nay, ảnh hưởng của việc tăng giá đợt vừa qua đối với chỉ số giá tiêu dùng trong các tháng tới là không lớn lắm.

Một nghịch lý đang diễn ra là, trong khi chi phí đầu vào như điện, xăng dầu, khí đốt, chi phí nhân công, lãi suất tăng cao, nhưng chỉ số giá tiêu dùng lại không tăng bao nhiêu. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu gánh nặng với phần lớn các chi phí tăng lên mà không thể chuyển vào giá bán. Nhìn vào mức tăng trưởng GDP quý I-2012 của Hà Nội ở mức 7,3% và 7% của TP.HCM, thấp hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái cộng với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng chậm của cả nước, có thể thấy rõ giới doanh nghiệp sản xuất khó khăn như thế nào. Theo Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, đến thời điểm này, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp đã tăng lên tới 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục giảm giá bán, chấp nhận thua lỗ, để giải phóng hàng tồn kho, thu tiền về để tránh mất khả năng thanh toán.

Theo dự báo, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục xu hướng giảm, có nghĩa là lạm phát nhiều khả năng sẽ còn bị kéo xuống thấp. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế, nhưng lại là nỗi lo cho doanh nghiệp. Không còn sự lựa chọn nào khác, muốn “kìm cương” lạm phát thì phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Đó cũng là khuyến cáo của Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam.