Để giữ vững thị trường nội địa: Chậm chân, mất phần

(ANTĐ) - Chiếm lại thị trường nội địa là mục tiêu của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 2008. Tuy nhiên, để đứng vững trên thị trường nội địa khi kinh tế toàn cầu đang phục hồi là việc làm không dễ.

Để giữ vững thị trường nội địa: Chậm chân, mất phần

(ANTĐ) - Chiếm lại thị trường nội địa là mục tiêu của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 2008. Tuy nhiên, để đứng vững trên thị trường nội địa khi kinh tế toàn cầu đang phục hồi là việc làm không dễ.

“Lỗ hổng” chưa được lấp

Con số thống kê tại hội thảo “Hàng dệt may Việt Nam với người tiêu dùng trong nước” vừa diễn ra, được ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) công bố cho thấy, tiêu thụ trong nước của hàng dệt may mới chiếm khoảng 30%. Khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa của các doanh nghiệp trong nước chưa tương xứng với năng lực của doanh nghiệp cũng như những kỳ vọng của người dân. Việc hàng loạt cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm may mặc Việt Nam, thuộc đủ các nhãn hàng của các công ty dệt may thời gian qua được mở chưa thể khẳng định hàng Việt đã cắm được rễ trên thị trường nội địa.

Sản phẩm dệt may Việt Nam cần cải thiện thiết kế (ảnh minh họa)

Sản phẩm dệt may Việt Nam cần cải thiện thiết kế  (ảnh minh họa)

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người tiêu dùng nữ Hà Nội, hàng dệt may khác các hàng hóa khác ở chỗ ngoài yêu cầu đảm bảo chất lượng, còn cần phải có yếu tố thời trang. Tuy nhiên, đây vẫn là một “lỗ hổng” mà doanh nghiệp Việt Nam chưa lấp được. Bà Đặng Thị Phương Dung - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận: “Thiết kế, sáng tạo mẫu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn hạn chế”. Rất nhiều mẫu thời trang được ra đời trong thời gian gần đây, phần lớn là các sản phẩm chỉ có thể trình diễn trên sàn  thời trang. Sản phẩm có hình thức đẹp, mang tính thông dụng còn hiếm hoi.

Bên cạnh đó, tính linh hoạt trong thiết kế sản phẩm dệt may Việt Nam chưa cao. Bà Quỳnh Chi ví dụ: “Người tiêu dùng ở độ tuổi nghỉ hưu - ngoài 50 tuổi có nhu cầu mua sắm, làm đẹp rất cao. Họ càng nhiều tuổi, càng cần làm đẹp nhưng sản phẩm may mặc không có mẫu thiết kế phù hợp mà số đo cũng khập khiễng. Người Việt Nam có số đo không chuẩn, nhất là khi về già, nên chất liệu dành cho sản phẩm cũng phải linh hoạt để nhiều người sử dụng được”. Về điểm này, hàng Việt Nam vẫn thua hàng Trung Quốc, bởi họ có số đo chuẩn hơn trên quần áo bán sẵn, họ thường lựa chọn chất liệu co giãn để hợp với số đo của nhiều người... “Ngay cả đường vắt xổ, trong khi sản phẩm trong nước chủ yếu sử dụng 2 màu đen và nâu, thì hàng nhập ngoại sử dụng chỉ đồng màu với màu vải. Đường may của họ cũng chắc chắn hơn” - bà Chi nói.

Bà Hòa - Người sinh sống tại phố Đội Cấn cho hay: “Vải vóc Việt Nam chất lượng tốt nhưng giá cả chưa cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Mua hàng may sẵn của Việt Nam thì không thể mặc vừa, còn mua vải Việt Nam đi may đo thì tiền công quá đắt”.

Rõ ràng, việc chiếm lại thị trường nội địa của ngành dệt may còn nhiều rào cản mà tự thân các doanh nghiệp cần phá bỏ. Đáng chú ý, dệt may được coi là một trong những ngành tiên phong, xuất sắc nhất trong chiến dịch chiếm lại thị trường nội địa. Các ngành hàng khác vẫn đang loay hoay trên “sân nhà”.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Khi mục tiêu quay lại thị trường nội địa được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, có chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo: “Không thể để việc quay về thị trường nội địa diễn ra theo phong trào, chỉ sôi nổi trong thời điểm này rồi lại nhanh chóng bị lụi tắt. Cần xem đây là chiến lược kinh doanh nghiêm túc”. Rất nhiều doanh nghiệp thuộc đủ các ngành nghề đã tham gia chương trình này và coi việc quay lại phục vụ thị trường nội địa rộng lớn là hướng kinh doanh đúng đắn. Mặc dù vậy, đến thời điểm này đã xuất hiện một vài biểu hiện cho thấy “tính phong trào” của việc đưa hàng Việt về phục vụ thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Phương Nam kể lại, cách đây vài năm, khi ông còn đang làm lãnh đạo của Sở Thương mại Hà Nội, nắm bắt được điểm yếu của doanh nghiệp dệt may Việt Nam ở khâu thiết kế, ông đã đề xuất xây dựng Trung tâm Thiết kế hàng dệt may Việt Nam để ngành công nghiệp này có “sức bật”. Hà Nội đã dành khu đất 8ha thuộc huyện Đông Anh để phục vụ ý tưởng này. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu ngành dệt may Việt Nam chê khu đất quá nhỏ nên từ đó đến giờ, nơi đây đang được sử dụng làm... chợ Hải Bối. “Có thể là khu đất nhỏ, nhưng doanh nghiệp cần sử dụng tích cực rồi dần mở rộng theo nhu cầu” - ông Nam phân tích.

Bài học từ Trung Quốc cho thấy, nhờ có trung tâm thiết kế mode mà ngay sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO, công nghiệp dệt may Trung Quốc đã có sức bật mạnh mẽ so với thế giới và chiếm được thị trường nội địa. Trước đó, nhiều nước châu Âu phát triển đã không lường được khả năng dự báo, nhận định của Trung Quốc.

Theo bà Đặng Thị Phương Dung, sở dĩ một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn thích sản xuất hàng xuất khẩu hơn vì chỉ phải gia công theo mẫu sẵn có, đơn hàng cả nghìn sản phẩm, hoàn thành đơn hàng là khách hàng nhập khẩu, thanh toán. Trong khi đó, nếu sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước cần phải nghiên cứu thiết kế, tính toán khả năng phân phối, hệ thống phân phối, lỗ lãi, số lượng sản phẩm lại ít... Đây chính là những rào cản khiến một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam ngại ngần trước thị trường tiêu dùng tiềm năng của nước nhà.

(Còn nữa)

Vân Hằng