Để giải quyết các cuộc biểu tình, Tổng thống Kenya sa thải gần hết nội các

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 1 tháng trước, Tổng thống William Ruto đã đến thăm Nhà Trắng với tư cách là đồng minh hàng đầu của Mỹ tại châu Phi. Nhưng Kenya sau đó đã bùng nổ các cuộc biểu tình chống tham nhũng...
Tổng thống Kenya quyết định sa thải tất cả các bộ trưởng, ngoại trừ Thư ký nội các và Bộ trưởng Ngoại giao

Tổng thống Kenya quyết định sa thải tất cả các bộ trưởng, ngoại trừ Thư ký nội các và Bộ trưởng Ngoại giao

Trong một động thái đầy kịch tính, ngày 11-7, Tổng thống Kenya William Ruto đã sa thải gần như toàn bộ nội các sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống tham nhũng và tăng thuế. Nhưng ngay cả sau khi việc tăng thuế bị hủy bỏ, các cuộc biểu tình của những người trẻ tuổi trên khắp đất nước vẫn tiếp diễn. Nhiều nhà hoạt động cho biết, các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục, bất chấp động thái mới nhất của Tổng thống.

Trước đó chỉ 6 tuần, ông Ruto đã đến Washington để gặp Tổng thống Biden. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống châu Phi kể từ năm 2008. Chuyến thăm chứng minh rằng nền dân chủ sôi động, hợp tác an ninh lâu đời và các chính sách thị trường tự do của Kenya đã củng cố vị thế là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại một khu vực ngày càng hỗn loạn. Ông Ruto cũng giành được sự hoan nghênh của quốc tế vì cam kết ủng hộ mạnh mẽ đối với các ưu tiên ngoại giao của phương Tây, bao gồm cả việc triển khai cảnh sát Kenya đến Haiti gần đây để giúp lập lại trật tự cho quốc gia Caribe bị băng đảng hoành hành này.

Nhưng giống như các nhà lãnh đạo khác trên khắp châu Phi, Tổng thống Ruto đang phải đối mặt với làn sóng giận dữ ngày càng gia tăng từ chính người dân của mình. Độ tuổi trung bình của dân số châu Phi là 18 và thế hệ đang trưởng thành ngày càng tức giận về sự phung phí và tham nhũng của chính phủ khi họ phải đối mặt với tương lai thất nghiệp cùng giá cả tăng cao. Ở nhiều quốc gia, cơn thịnh nộ đó đã hỗ trợ các cuộc đảo chính những đồng minh lâu năm của phương Tây. “Những sự kiện gần đây đã đưa chúng ta đến một bước ngoặt. Tôi sẽ chặt đứt nạn tham nhũng” - ông Ruto phát biểu trên truyền hình khi tuyên bố sa thải tất cả các bộ trưởng, ngoại trừ Thư ký nội các và Bộ trưởng ngoại giao.

“Đây là cơn địa chấn chính trị. Chúng tôi chưa từng thấy một quyết định nào gây chấn động như vậy ở Kenya trong ít nhất 2 thập kỷ, thật đáng khích lệ” - ông Murithi Mutiga, Giám đốc chương trình châu Phi của tổ chức nghiên cứu International Crisis Group cho biết. “Việc ông ấy sa thải nội các của mình là một bước đi đúng hướng, vì họ là một phần của vấn đề lớn hơn. Nhưng chúng tôi vẫn đang nhấn mạnh vào trách nhiệm giải trình của cảnh sát. Không dễ để đối thoại nếu không có công lý” - ông Happy Olal, điều phối viên của một liên minh các tổ chức nhân quyền cho biết.

Sau phản ứng ban đầu lên án những người biểu tình là tội phạm, ông Ruto đã cố gắng hòa giải hơn. Sau khi tòa nhà Quốc hội bị tấn công, ông đã rút lại dự luật tài chính và các đợt tăng thuế đi kèm, sau đó hủy quyết định phân bổ hàng triệu USD cho văn phòng của Đệ nhất phu nhân và Phu nhân Phó Tổng thống. Khi thấy các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, nhà lãnh đạo Kenya đã công bố hạn chế số lượng cố vấn gắn liền với các bộ, kêu gọi đối thoại toàn quốc và cấm các hoạt động gây quỹ công khai - phương cách được cho là để các chính trị gia mua ảnh hưởng bằng tiền tham nhũng.

“Tổng thống Kenya đã điều chỉnh và hiểu những cuộc biểu tình này không thể bị dập tắt. Ông ấy đã bị chỉ trích một cách chính đáng vì bổ nhiệm một nội các thiếu năng lực. Đây là cơ hội để tập hợp một đội ngũ có năng lực hơn. Liệu ông ấy có nắm bắt cơ hội này không? Những người trẻ tuổi sẽ theo dõi rất kỹ” - ông Murithi Mutiga nói.

Những người biểu tình Kenya đang thúc đẩy một tương lai mà những cử tri trẻ tuổi, có học thức đòi hỏi sự thay đổi. Quyết tâm của họ cũng khiến các chính phủ châu Phi khác phải tự nhìn nhận lại, đơn cử một nghị sĩ Ghana gần đây đã trích dẫn các cuộc biểu tình ở Kenya như một lý do để Quốc hội nước này thông qua luật một cách có trách nhiệm.