Để giải bài toán khó

ANTĐ - Trong kỳ họp Quốc hội lần này, Luật Đất đai sửa đổi có lẽ là bộ luật được cử tri và người dân cả nước trông chờ và kỳ vọng nhiều nhất. Trên diễn đàn Quốc hội đã có hai luồng ý kiến trái chiều. Một là nên lùi thời gian thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, hai là cần sớm sửa đổi luật để nông dân yên tâm sản xuất. Đứng giữa hai luồng ý kiến này, giới chuyên gia đã có những phân tích khá sâu sắc gốc rễ của vấn đề.

Trình bày giám sát trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, quy định liên quan đến giải phóng mặt bằng còn quá nhiều bất cập trong việc giải quyết thỏa đáng giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất; giữa quyền của Nhà nước, khi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích Quốc gia, phát triển kinh tế và quyền của người dân.

Đặc biệt là những vướng mắc càng gỡ càng rối về mức đền bù các dự án, sự khác nhau về giá đất giữa các địa phương và chính sách giá bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất. Nghiên cứu về cơ chế xác định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Việt Nam, mới đây Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra, điểm yếu nhất của vấn đề tài chính đất đai hiện nay là chưa có cơ chế hợp lý để xác định giá đất phù hợp với giá thị trường. Việt Nam chưa tìm ra được tiêu chuẩn khách quan để định giá đất, mà cả phía chính quyền, cơ quan quản lý lẫn người bị thu hồi đất cùng chấp nhận được.

Do cách định giá đất khác nhau nên khi thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất thường nhùng nhằng, kéo dài nhất là ở các khu vực gần đô thị. Bởi thế theo Bộ Tài nguyên môi trường, số lượng khiếu nại, khiếu kiện của người dân về giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại nhiều địa phương chiếm gần 80% tổng số vụ. Nếu những bất cập trong phương pháp xác định giá đất không được sớm giải tỏa, thì tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài, còn gây ra những hậu quả xấu cả về kinh tế lẫn bất ổn xã hội. Viện Xã hội học đã tiến hành điều tra hàng trăm hộ ở một số địa phương bị thu hồi đất, có đến 90% trả lời số tiền được đền bù quá ít để mua thửa đất tương tự; 80% không hài lòng về giá đất bồi thường.

Rất nhiều người bị thu hồi đất cho biết họ mất lòng tin vào lãnh đạo địa phương các cấp. Không ít gia đình rất lo ngại không thể theo nghề cũ sau giải tỏa, chỗ ở mới không hơn gì chỗ cũ, mọi hoạt động trong gia đình bị đảo lộn, người lớn không có việc, trẻ con không đủ điều kiện đi học. Khi cả một cộng đồng sa cơ vào tình thế này, thì quả là nỗi lo cho xã hội. Rõ ràng việc bồi thường giá đất không phù hợp thị trường là “ngòi nổ” của tình trạng khiếu kiện kéo dài. Theo các chuyên gia không thể không nhìn thẳng vào mối quan hệ về giá trị đất đai giữa người bị thu hồi đất, người được giao đất và Nhà nước trên cơ sở xác định đúng giá trị đất phù hợp với quy luật thị trường.

Mọi cơ chế bồi thường bằng tiền, bằng nhà hay hình thức khác, chỉ có thể được giải quyết thỏa đáng khi giá đất được xác định cụ thể với phần giá trị tăng thêm do chủ đầu tư sử dụng đất mang lại. Khi chưa sửa đổi được Luật Đất đai, theo các chuyên gia Chính phủ nên thành lập Hội đồng Định giá đất đai cấp quốc gia và cấp tỉnh. Có vậy mới giải quyết được bài toán phân chia lợi ích giữa người bị thu hồi đất, nhà đầu tư và Nhà nước hiện tại đang đẩy phần thua thiệt về phía người bị mất đất.