Để doanh nghiệp "lớn lên"

ANTĐ - Hội nhập với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tiếp đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Hà Nội nói riêng sẽ có nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng sẽ tăng lên. Khi phải cạnh tranh cùng các đối thủ mạnh về tài chính, kinh nghiệm và cả tiềm lực...

Điểm sáng đáng ghi nhận trong bức tranh kinh tế Hà Nội là những tháng cuối năm 2015, xuất khẩu đã có đà tăng trưởng mạnh. Cụ thể, so với năm 2014, nhóm hàng dệt may tăng 15,3%, cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch 8%. Nhóm hàng giày dép tăng 9,2% do tăng xuất khẩu vào Mỹ, Trung Quốc. Một số nhóm hàng khác tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá như linh kiện điện tử và thiết bị ngoại vi tăng 2,2%, nhóm hàng nông sản tăng 6%...

Trong các cuộc họp gần đây, từ Chính phủ đến các bộ, ngành đều nhận định, bước sang năm 2016, tình hình kinh tế khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế nước ta, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu. Hơn thế, những yếu kém về trình độ công nghệ, trình độ quản lý, năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước sẽ là trở ngại rất lớn. Một thực tế được các chuyên gia chỉ rõ, mặc dù nỗ lực cải cách thể chế, cải cách thủ tục thuế và hải quan đã đạt những kết quả tích cực, song chưa đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp và vẫn là một lực cản đáng kể khiến các doanh nghiệp “không lớn lên được”.

AEC bắt đầu thực thi, hàng hóa sẽ nhiều hơn, thị trường rộng mở hơn, nhưng áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà Hà Nội sẽ căng thẳng, gay gắt hơn. Bởi thế, mong muốn “cháy bỏng” của doanh nghiệp là các sở, ban, ngành thành phố tiếp tục dốc sức cải cách thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực thuế, hải quan, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, chứng nhận đầu tư, xuất xứ hàng hóa để tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Tất nhiên, để tiếp sức cho doanh nghiệp “lớn lên”, thành phố cần tạo điều kiện để họ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, đầu tư dịch vụ kinh doanh xuất khẩu, xúc tiến thương mại… Tuy vậy, bản thân các doanh nghiệp không thể “khoanh tay” ngồi chờ cơ chế, chính sách cũng như cơ hội. Nếu không chủ động, “nhanh tay, nhanh mắt” tìm kiếm thị trường, khai thác mặt hàng mới, bàn hàng mới, thì viễn cảnh thua ngay trên sân nhà, lép vế và yếu thế trước các đối thủ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” là khó tránh khỏi. Đây không còn là lời cảnh báo nguy cơ nữa mà đang diễn ra ngay trên thị trường Hà Nội cũng như trong cả nước. “Sóng” hội nhập đã đến ngay dưới chân rồi.