Để đám cưới không còn là nỗi ám ảnh

ANTĐ - Với những quy định khá cụ thể, Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Hà Nội do Thành ủy Hà Nội vừa ban hành nhận được khá nhiều ý kiến khác nhau... Trong cuộc trò chuyện cùng PV Báo An ninh Thủ đô, ông Phạm Phú Lịch, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hà Đông cho biết nhiều kinh nghiệm trong việc vận động các cán bộ đảng viên và người dân thực hiện nếp sống mới. 

Một đám cưới tập thể dành cho công nhân khó khăn đã được dư luận rất hoan nghênh

- PV: Quận ủy Hà Đông có kinh nghiệm gì về việc vận động cán bộ, nhân dân tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm?

- Chương trình 06-CTr/QU của Quận ủy Hà Đông được thực hiện theo chỉ thị số 27 của Nhà nước về thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống văn minh đã tạo thuận lợi cho người dân. Ví dụ, nếu thực hiện theo quy định, gia chủ đỡ mệt mỏi và vất vả hơn. Việc lo 40 mâm cỗ chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn so với lo hàng trăm mâm cỗ, đấy là tôi chưa kể rất nhiều gia đình “lỗ vốn” do tổ chức đám cưới hoành tráng. Còn về phía những người được mời thì anh em cũng đỡ “mệt” túi tiền, hay phải bỏ công bỏ việc vất vả đi ăn cưới. Vào mùa cưới, việc dự mấy đám cưới một ngày luôn là nỗi ám ảnh với những ai được mời đến chia vui cùng đôi vợ chồng trẻ. Hơn thế, chương trình của Quận ủy Hà Đông như một cái cớ để người dân tối giản lượng khách mời. Thay vào đó là tiệc trà, bánh ngọt, văn nghệ ấm cúng và vui vẻ. Cỗ bàn chỉ dành cho người thân trong gia đình. 

- PV: Quận ủy Hà Đông đã có những cách làm nào để biến những luồng dư luận trái chiều thành… thuận chiều? 

- Ngay khi mới ban hành Chương trình 06-CTr/QU, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến cho rằng nên nới rộng số lượng mâm cỗ tổ chức đám cưới lên thành 50-60 thậm chí là hơn nữa bởi Hà Đông có nhiều xã mới lên phường, người dân còn giữ nếp sống ở các làng quê. Mỗi đám cưới thường diễn ra trong vài ngày và cả làng cùng đi ăn cỗ. Thậm chí, có người còn không cho rằng chương trình này mang tính khả dĩ trong cuộc sống, mạnh ai nấy làm, gia đình cứ tổ chức nếu có phạt thì cũng là chuyện đã rồi. Nhưng khi đưa vào thực hiện, chúng tôi đã triển khai cùng lúc 4 biện pháp. Đó là tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện, có những chế tài xử lý vi phạm, nêu gương những gia đình thực hiện tốt cũng như nhắc nhở các gia đình làm sai trên đài phát thanh của quận phê bình tại tổ dân phố, đặc biệt là tiến hành kỷ luật đối với đảng viên. Dần dần người dân đã hiểu và làm theo chủ trương. 

- Tính đến thời điểm này, đã có khoảng bao nhiêu đảng viên đã vi phạm chương trình của Quận ủy Hà Đông? 

- Tùy vào từng mức độ vi phạm, chúng tôi đã có những biện pháp kỷ luật khác nhau đối với từng đảng viên. Trong 4 năm đưa chương trình thực hiện nếp sống văn hóa vào cuộc sống, chúng tôi đã kỷ luật 20 đảng viên từ cảnh cáo khiển trách buộc thôi việc đến chuyển công tác. 

- Để tóm tắt cách làm cho một chương trình hiệu quả, ông sẽ nói gì? 

- Để chương trình “sống” trong lòng nhân dân, trước hết các cán bộ đảng viên phải gương mẫu. Mọi người cứ nói, chương trình sẽ “chết” khi đưa vào thực hiện ở các vùng nông thôn nhưng thực tế đã cho thấy khi các đảng viên không đi ăn cỗ của gia chủ không phải người thân của mình đã làm gương cho nhân dân và số lượng mâm cỗ đã giảm đi đáng kể. Tất nhiên, con số 85% các gia đình thực hiện đã cho thấy không phải chương trình đã nhận được sự ủng hộ của tất cả người dân nhưng dù sao như vậy cũng đáng để tự hào. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Trọng Hải - Phó trưởng phòng Văn hóa quận Đống Đa: Cần xóa những đám cưới phô trương

Đã nhiều năm nay, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được UBND quận Đống Đa coi là một trong những tiêu chí để đánh giá và phong tặng gia đình văn hóa. Chỉ thị số 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Hà Nội của Thành ủy Hà Nội sẽ góp phần xóa bỏ những đám cưới linh đình, phô trương và cực kỳ lãng phí của con em cán bộ, đảng viên. Tôi thấy việc cấm tổ chức đám cưới ở khách sạn 5 sao là cần thiết. Vào mùa cưới, có người một tuần đi tới 5 đám. Nếu chỉ 3 trong số 5 đám đó, tổ chức tại những nơi sang trọng là “chết” rồi vì lương cán bộ viên chức một tháng vài triệu đồng. Đi đám cưới ở khách sạn 5 sao, thì cũng phải mừng cô dâu chú rể theo đúng tiêu chuẩn 5 sao chứ? Tôi chắc sẽ có nhiều người có quan điểm như tôi, đám cưới không cốt to, giản dị nhưng thân mật, đầm ấm sẽ là tiêu chí mà nhiều cô dâu chú rể muốn hướng tới.

Ông Đinh Hồng Phong - Trưởng Phòng văn hóa quận Hoàn Kiếm: “Lãng phí lắm”

Cứ đóng đinh cái câu “ma chê cưới trách” nên giờ nhiều gia đình nhớ được ai là phải mời hết, vì sợ người ta trách cứ, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc cần phải tinh gọn đám cưới. Nên lựa chọn khách mời thế nào hay chỉ mời họ hàng, anh em thân thích thôi, còn lại gửi thiệp báo hỉ. Như thế vừa khéo léo, vừa lịch sự, người nhận được thiệp báo hỉ cũng có cảm giác được trân trọng. Đã có thời gian, người ta rộ lên phong trào đám cưới tổ chức tiệc trà, tôi đi một vài đám thấy hoành tráng còn hơn tiệc mặn. Nào là rượu vang ngoại, bánh kẹo hoa quả cũng toàn đồ “xịn”. Lãng phí lắm!