Để có đôi tai khoẻ mạnh

ANTĐ -Đôi tai không chỉ để nghe mà còn đóng vai trò thẩm mỹ của gương mặt. Vì vậy hãy áp dụng những cách dưới đây để bảo vệ và giữ được đôi tai khoẻ, đẹp.

Để có đôi tai khoẻ mạnh ảnh 1
Dùng nút lỗ tai khi đi bơi

Nước hồ bơi nơi công cộng không được sạch và chứa nhiều hoá chất khử nước cùng amoniac rất nguy hại cho tai. Nếu để nước hồ bơi tràn vào trong tai nhiều, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng và dẫn đến viêm tai. Nếu bạn thấy tai bị ngứa hay sưng, hãy dừng việc đi bơi lại để kiểm tra tai.

Không nên xem nhẹ việc bị ù tai

Khi bị ù tai, trong tai phát ra những tiếng u u rất khó chịu. Phần lớn mọi người chủ quan, tự đoán một vài nguyên nhân và nghĩ việc này sẽ sớm qua thôi. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy, bị ù tai có thể là những biểu hiện ban đầu của huyết áp cao, mất thính lực, bệnh tai giữa hay khối u trong mạch máu và thần kinh. Nếu tình trạng ù tai diễn ra liên tục hãy đi kiểm tra ngay lập tức.

Không nghe nhạc quá lớn

Việc nghe nhạc quá lớn, nhất là nghe bằng tai nghe (earphone) rất nguy hại cho đôi tai. Thường xuyên gây áp lực cho tai sẽ gây thương tổn vĩnh viễn đến tế bào lông chuyển -  là một bộ phận của tai có chức năng dẫn truyền sóng âm đến não bộ và hậu quả là thính lực sẽ giảm dần và có nguy cơ điếc.

Bôi kem chống nắng 

Vào mùa nắng, khi ra ngoài bạn không quên bôi kem chống nắng nhưng phần lớn mọi người bỏ qua vùng tai, các chuyên gia viện da liễu cảnh báo: Đôi tai rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, tai là một trong những vị trí dễ bị ung thư da nhất trên cơ thể mà triệu chứng là da bị ban đỏ, nứt nẻ và bong tróc. Vì vậy hãy nhớ bôi kem chống nắng cả vùng tai khi ra ngoài.

Không sử dụng bông ngoáy tai

Ráy tai có thể khiến bạn khó chịu và trông không đẹp mắt, nhưng nó có tác dụng bảo vệ đôi tai. Sử dụng bông ngoáy tai sẽ vô tình mang vi trùng vào trong tai, đẩy một số ráy tai vào sâu hơn bên trong và còn làm tổn thương tai. Cách tốt nhất để loại bỏ ráy tai nếu chúng gây khó chịu là tới phòng khám tai mũi họng, các bác sỹ sẽ kiểm tra và dùng dụng cụ lấy ráy tai ra một cách an toàn. 

Thận trọng khi dùng thuốc

Trước khi dùng các loại thuốc, dù là thuốc tiêm, thuốc uống hay thuốc nhỏ tai, bạn luôn phải tham khảo ý kiến bác sỹ, vì một số loại thuốc như kháng sinh (aminoglycoside), giảm đau (aspirin) hoặc một số thuốc nhuận tràng... có thể gây hại cho thần kinh tai và tiền đình; bệnh nhân có thể bị phản ứng với thuốc, gây tê liệt hoặc mất thính lực tạm thời.