Đề cao trách nhiệm công dân

ANTĐ - Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, phát triển lĩnh vực  quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể hiện tính nhân văn và  ưu việt của chế độ ta. Nhiều nội dung sửa đổi và nội dung mới về lĩnh vực này được đề cập trong dự thảo có mục đích góp phần  nâng cao trách  nhiệm của  công dân trong đời sống xã hội, mọi công dân đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Tôi xin nêu ví dụ về Điều 49 (sửa đổi, bổ sung Điều 79): “Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”.

Một vấn đề được quan tâm là các cơ quan chức năng cần tích cực, thường xuyên  tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục mọi người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng. Trong trường hợp người dân không chấp hành hoặc chấp hành  theo kiểu đối phó, không tự giác thì cần có chế tài xử lý nghiêm. Chỉ đơn cử trong lĩnh vực chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ vừa qua trên địa bàn cả nước cũng có nhiều chuyện cần bàn. Rõ ràng, ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của một bộ phận người dân còn quá kém, khi điều khiển phương tiện trên đường đã phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường, lái xe trong tình trạng say rượu nên hậu quả tất yếu là dẫn đến tai nạn giao thông. Con số bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức do tai nạn giao thông trong dịp Tết vừa qua khiến dư luận bàng hoàng và bức xúc.

Để trách nhiệm của công dân được nâng lên, mọi người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật thì việc tuyên truyền, giáo dục người dân phải  kết hợp chặt chẽ  giữa gia đình, nhà trường và xã hội; Nhà nước cần triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, xã hội, văn hóa góp phần nâng cao và thu hẹp trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, hải đảo xa xôi…