Đề cao quyền con người trong hoạt động tố tụng

ANTĐ - Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp về bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi do Đoàn Luật sư  Hà Nội tổ chức, luật sư Hoàng Huy Được – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư  đã có một số tham góp đáng chú ý liên quan đến chế định luật sư và quyền được trợ giúp pháp lý được nêu ra trong Dự thảo…

Về chế định luật sư

Trong Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) lần này, khoản 7 điều 108 đã ghi nhận: “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được đảm bảo. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp”. So với điều 132 của Hiến pháp 1992 nêu trên, dự thảo lần này có mở rộng phạm vi thực hiện nguyên tắc xét xử của Tòa án là phải bảo đảm quyền của đương sự được tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mình, nhưng lại bỏ đi nội dung quan trọng đó là “tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Theo tôi, việc ghi nhận về vị trí, vai trò của chế định luật sư trong Dự thảo Hiến pháp lần này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi tổ chức luật sư và luật sư không chỉ là chủ thể thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng bào chữa, mà còn nhằm thực hiện chức năng xã hội của luật sư đã được ghi nhận trong điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung luật sư 2006 là “hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Do vậy, cần đặt tên gọi của chương VIII trong Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) là “Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tổ chức luật sư”, trong đó đưa một phần nội dung quy định về tổ chức luật sư tại điều 132 Hiến pháp 1992 trở thành một điều luật mới về “Tổ chức luật sư” trong Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) ngay sau dự thảo điều 114 về Viện kiểm sát nhân dân, với nội dung như sau: 

Tổ chức luật sư được thành lập nhằm thực hiện chức năng bào chữa trong tố tụng hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tố tụng dân sự, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Quyền được tiếp cận và sử dụng trợ giúp pháp lý

Lần đầu tiên, khoản 3 điều 32 của dự thảo quy định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”. 

Đây là một thiết chế mới có tính chất tiến bộ, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện quan điểm đề cao quyền con người trong hoạt động tố tụng, đồng thời đặt vị thế quan trọng của người bào chữa thực hiện chức năng gỡ tội trong mối quan hệ biện chứng với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng xét xử. Pháp luật hiện nay đang thiếu các cơ chế để người bào chữa thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quyền năng tố tụng đã được luật định và để người bào chữa bảo vệ quyền của mình trước sự vi phạm của các chủ thể khác, đặc biệt là sự vi phạm từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Trên hai phương diện pháp lý và thực tiễn, người bào chữa chưa có cơ chế và cơ hội để trở thành một bên bình đẳng với bên buộc tội trong việc thực hiện chức năng bào chữa của mình.

Theo qui định của hiến pháp, với tư cách là cơ quan xét xử, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để có thể thực hiện được chức năng xét xử, bên cạnh nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự đã được ghi nhận trong dự thảo, khoản 5 điều 108 Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) lần đầu tiên quy định: “Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm”. Dự thảo Hiến pháp khi ghi nhận nguyên tắc tranh tụng đã đề cao quá trình dân chủ hóa trong hoạt động tố tụng, bình đẳng trong quá trình giải quyết vụ án. Qua đó nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của từng chủ thể thực hiện chức năng của mình, đáp ứng những đòi hỏi mới của quá trình cải cách tư pháp hình sự.

Qua thực tiễn tố tụng hình sự, có nhiều trường hợp luật sư không được tạo điều kiện thuận lợi tham gia nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tình nghi phạm tội, nhất là trong giai đoạn điều tra. Vì vậy, cần bổ sung vào Dự thảo tại khoản 5 điều 108 như sau: “Nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo. Phán quyết của Toà án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.