Đề cao quyền con người

ANTĐ - Sau khi nghiên cứu kỹ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội đã có một số ý kiến đóng góp đáng chú ý:

1. Về số lượng chương, điều trong Dự thảo 

So sánh về cấu trúc, số lượng chương, điều trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Hiến pháp năm 1992 tôi thấy, Dự thảo đã giảm đi 1 chương, 23 điều; trong đó có 13 điều được giữ nguyên; sửa đổi bổ sung 99 điều và bổ sung thêm 11 điều mới. 

Về cấu trúc, xuất phát từ quan điểm Nhà nước của dân, do dân và vì dân, chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân (chương V trong Hiến pháp 1992) nay được đưa lên chương II trong bản Dự thảo, ngay sau chương Chế độ chính trị. Điều này cho thấy, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được tôn trọng, phù hợp với tiến trình dân chủ ngày càng được mở rộng.

Đặc biệt, Dự thảo sửa đổi hiến pháp cũng đã xây dựng chế định hiến định về quyền con người (đây là nội dung mới) bên cạnh quyền công dân. Việc qui định quyền con người, quyền công dân trong dự thảo sửa đổi, bổ sung hiến pháp là một sự tiến bộ, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, ngày càng có nhiều người nước ngoài hoạt động đầu tư, cũng như tham quan, du lịch tại Việt Nam.

2. Cần thành lập Tòa án bảo Hiến

Một điểm tiến bộ trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đó là việc dự kiến thành lập một số cơ quan hiến định như Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước (điều 120, 121 và 122), và việc không coi kinh tế Nhà nước là chủ đạo (điều 54) cũng là một sự tiến bộ. Tuy nhiên, nếu chỉ qui định “Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật” và có nhiệm vụ “kiến nghị Quốc hội xem xét lại các văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp” và “yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ… sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật…” thì các cơ quan trên cũng chẳng khác gì các cơ quan tham mưu, giúp việc. Vì vậy, cần thiết phải thành lập Tòa án Hiến pháp để thực hiện quyền tài phán đối với những hành vi vi hiến. Bởi nếu không thành lập Tòa án Hiến pháp mà chỉ dừng ở việc thành lập Hội đồng Hiến pháp với chức năng “phát hiện và kiến nghị…” thì không nên thành lập thêm các cơ quan này vì chỉ làm cho tổ chức bộ máy Quốc hội thêm cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả.

3. Về chế định luật sư trong Dự thảo 

Nếu như Hiến pháp năm 1992 dành một điều (Điều 132) qui định về luật sư như sau: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình (khoản 1); Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa (khoản 2). Nay, Dự thảo chế định về luật sư không còn được qui định là một điều mà được chia nhỏ thành các khoản 5 và khoản 7 của Điều 108 là không phù hợp với tiến trình dân chủ và cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Mặt khác, việc bảo vệ quyền cơ bản của con người, quyền cơ bản của công dân rất cần có những luật sư chuyên nghiệp để bênh vực, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Do đó, không nên qui định “nhờ người khác bào chữa” hoặc nhờ người khác “bảo vệ lợi ích hợp pháp” như dự thảo đã nêu.