Để cải thiện quan hệ với Mỹ, Nga cần "lấy tĩnh chế động"

ANTD.VN - Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo hôm 14-5 đã có cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ đồng hồ với người đồng cấp Nga S. Lavrov và 90 phút với Tổng thống V. Putin tại thành phố Sochi (Nga) nhằm thảo luận về hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Hai bên đều bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương, thậm chí đưa ra khả năng có thể diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga bên lề Hội nghị G20 vào cuối tháng 6 tới tại Nhật Bản.

Mỹ chủ động đối thoại, tìm cách cải thiện quan hệ với Nga

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo ngày 14-5-2019 diễn ra sau khi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller công bố báo cáo điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, trong đó kết luận không có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông D. Trump với giới chức Nga.

Ngoại trưởng Nga S. Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc trong thời gian tới (Nguồn: TASS)

Mối quan hệ Mỹ-Nga vốn bị "phủ bóng đen" xung quanh nhiều vấn đề trên toàn cầu, có những lời đe dọa, thách thức can thiệp quân sự cứng rắn (thậm chí chạy đua hạt nhân), thể hiện rõ nét trong cuộc khủng hoảng ở Venezuela và Syria. Không những vậy, hai bên tiếp tục đẩy trạng thái căng thẳng, đối đầu lên cao trong các lệnh trừng phạt mới sau sự kiện Nga bắt giữ tàu và hải quân Ucraina trên eo biển Kerch (tháng 11-2018), những cáo buộc lẫn nhau, ngoài ra các cuộc đối thoại, tiếp xúc cấp cao song phương hầu như bị đình chỉ.

Không những vậy, trước chuyến thăm trên, phía Nga còn có hành động phô trương sức mạnh khi Tổng thống V. Putin đến Trung tâm thử nghiệm máy bay quân sự tiên tiến miền Nam nước Nga để kiểm tra tên lửa siêu thanh Kinzal, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân thế hệ mới nhất.

Tổng thống D.Trump cảnh báo cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ và Nga sau khi tuyên bố rút khỏi INF

Song, gần đây, trong bối cảnh leo thang xung đột thương mại với Trung Quốc và bế tắc trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, phía Mỹ đã có những động thái thể hiện sự chủ động trong việc nối lại đối thoại với Nga như khởi xướng cuộc điện đàm giữa Tổng thống D. Trump và Tổng thống V. Putin (03-5); tổ chức cuộc gặp cấp Ngoại trưởng bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực tại Phần Lan (7-5); thăm Nga (14-5) mặc dù trước đó đã thông báo hủy để tham gia cuộc họp tại châu Âu giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran; và thông báo về ý định gặp Tổng thống V. Putin tại Hội nghị cấp cao G-20 tại Nhật Bản (dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 6-2019).

Mỹ đã chủ động tăng cường các cuộc đối thoại với Nga, xuất phát từ một số lý do sau: (1) Muốn xoa dịu quan hệ, lôi kéo không để Nga xích lại gần Trung Quốc, gây mất cân bằng cục diện quốc tế hiện nay (tham vọng chủ nghĩa đơn cực của Mỹ). (2) Có nhu cầu liên kết, tranh thủ vai trò của Nga trong bối cảnh đang gặp bế tắc trong giải quyết ván đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên và thất bại trong âm mưu lật đổ chế độ tại Venezuela. (3) Mong muốn tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích tương đồng, đặc biệt trong hoạt động chống khủng bố tại Syria và không phổ biến vũ khí hạt nhân. (4) Tạo môi trường thuận lợi cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, hạn chế những vấn đề phức tạp có thể phát sinh do căng thẳng trong quan hệ với Nga.

Kết quả tích cực, song vẫn tồn tại những bất đồng "khó tháo gỡ"

Để cải thiện quan hệ song phương, trong cuộc gặp hai bên đã nhất trí, đồng thuận trong một số khía cạnh: (1) Thực hiện các bước đi nhằm bình thường hóa quan hệ. Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga và trong họp báo, Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo tuyên bố về quyết tâm cải thiện quan hệ với Nga của Tổng thống D. Trump. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga S. Lavrov đã đề nghị phía Mỹ xem xét, ký lại Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Nga và Chính phủ Mỹ về không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau trước đây (Mỹ và Liên Xô đã ký năm 1933). (2) Khôi phục lại các kênh liên lạc song phương đã bị đóng băng gần đây do tác động tiêu cực từ những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. (3) Chủ trương thành lập Hội đồng chuyên gia phi chính phủ (bao gồm các nhà chính trị nổi tiếng, cựu quân nhân, nhà ngoại giao và các chuyên gia về quan hệ song phương) để giúp tham vấn, thu hẹp bất đồng, xóa bỏ sự nghi ngờ, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ. (4) Xem xét việc thành lập Hội đồng kinh doanh Nga-Mỹ (bao gồm các doanh nghiệp tư nhân lớn) nhằm tham mưu cho Chính phủ hai nước các giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi. (5) Đồng thời, nối lại các cuộc đối thoại về hợp tác trong vấn đề ổn định chiến lược, trong đó có gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START-3).

Quả bóng World Cup là quà xã giao của Tổng thống Nga V. Putin dành tặng Tổng thống Mỹ D.Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki (Phần Lan, 7-2018)

Về các vấn đề quốc tế trong khu vực, hai bên đã tìm được một số tín hiệu tích cực trong vấn đề Syria và Ucraina, cụ thể: hai nhà lãnh đạo thống nhất tiếp tục hợp tác chống khủng bố, khởi động tiến trình thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp tại Syria, đồng thời, ủng hộ giải pháp chính trị trong giải quyết vấn đề Ucraina theo thỏa thuận Minsk 2.0. Tuy nhiên, trong các vấn đề quốc tế, khu vực, hai bên vẫn tồn tại những mâu thuẫn, bất đồng trong cách tiếp cận và phương hướng giải quyết.

Vấn đề Venezuela tiếp tục là nhân tố khoét sâu căng thẳng Nga-Mỹ. Ngoại trưởng M. Pompeo khẳng định quan điểm cứng rắn lật đổ Tổng thống N. Maduro, đồng thời yêu cầu Nga chấm dứt mọi hành động hỗ trợ chính quyền nước này. Trong khi đó, Nga ủng hộ giải quyết cuộc khủng hoảng bằng biện pháp hòa bình, phản đối mọi sự can thiệp bằng vũ lực từ bên ngoài; cho rằng, tương lai của Venezuela do chính người dân nước này quyết định.

Vấn đề hạt nhân Iran, Mỹ kiên quyết rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran, liên tục gia tăng sức ép về kinh tế và quân sự đối với nước này, khiến tình hình ngày càng leo thang căng thẳng. Nhiều học giả đặt ra câu hỏi, liệu lịch sử có lặp lại như cuộc hải chiến Mỹ - Iran năm 1988 trước đây. Trong khi đó, Nga tiếp tục phản đối các hành động của Mỹ, ủng hộ giải pháp chính trị và nỗ lực ngăn chặn kịch bản quân sự leo thang.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Nga ủng hộ việc dỡ bỏ từng phần các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ với Triều Tiên, tương ứng với những bước trong tiến trình phi hạt nhân hóa của nước này; nhu cầu được đảm bảo an ninh của Triều Tiên sau khi phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, phía Mỹ giữ lập trường không đáp ứng các yêu sách của Triều Tiên, cho rằng, Triều Tiên có những động thái dừng hoàn toàn các hoạt động thử vũ khí hạt nhân, tiến tới cắt giảm hoàn toàn.

Quan hệ Nga-Mỹ trong thời gian tới

Gần đây, do tác động từ các nhân tố trong nội bộ nước Mỹ và những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực khiến xu hướng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục được tái khởi động. Xu hướng này được hỗ trợ bởi một số nhân tố sau: (1) Tuyên bố về quyết tâm cải thiện quan hệ với Nga của Tổng thống D. Trump phù hợp với mong muốn và chính sách của Nga trong quan hệ với Mỹ. (2) Sức ép từ Quốc hội Mỹ đối với Tổng thống D. Trump đã giảm bớt sau khi Công tố viên đặc biệt R. Mueller công bố kết quả điều tra cuối cùng về việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ namw 2016. (3) Hai bên đều có nhu cầu hợp tác, thỏa hiệp và thể hiện vai trò trong giải quyết các vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng tại Venezuela và Ucraina; tranh thủ vai trò, ảnh hưởng của Nga trong giải quyết các vấn đề đang bế tắc tại Triều Tiên và Iran theo hướng có lợi nhất nhằm tạo dấu ấn trước cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020. Trong khi đó, Nga cũng muốn có vai trò trong tham gia giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đồng thời, Nga cũng muốn Mỹ từng bước dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đã áp đặt từ năm 2014 đến nay.

Tổng thống D. Trump khi nhậm chức  từng hứa hẹn một thời kỳ nồng ấm hơn cho quan hệ Nga-Mỹ (Nguồn: Getty)

Tuy nhiên, tiến độ cải thiện quan hệ Nga-Mỹ sẽ tương đối chậm, chủ yếu ở cấp độ hợp tác song phương. Hai bên dần khôi phục lại các kênh liên lạc, đối thoại và thành lập các cơ chế mới để hỗ trợ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại và xây dựng lòng tin. Sự thỏa hiệp trong các vấn đề còn đang mâu thuẫn, bất đồng, nhất là lợi ích tại các khu vực, địa bàn chiến lược như Venezuela, Ucraina, Triều Tiên...sẽ còn kéo dài. Giới chuyên gia Nga cho rằng, đối với cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Hội nghị G20 sắp tới, Nga cần "lấy tĩnh chế động", tức là Nga không nên vội vàng mở rộng vòng tay, bày tỏ lòng mình với Mỹ, mà xem thái độ và cách thể hiện "thực sự" từ phía Mỹ trong thời gian tới.

Như vậy, quán tính vận hành của quan hệ Nga-Mỹ rất lớn và nhiều vấn đề không thể giải quyết được trong thời gian ngắn. Liệu Tổng thống D. Trump có thể thực hiện cam kết "chúng ta cuối cùng sẽ chung sống hòa hợp với Nga" hay không, từ đó mở ra cục diện mới trong quan hệ với Nga, đó là điều đáng được chúng ta chờ đợi.