- Độc đáo "trâu hóa rồng" trong lễ hội Tịch điền năm Giáp Thìn
- Độc đáo lễ rước kiệu trong Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024
Lên phương án từ xa
Mùa xuân là mùa của lễ hội với những phong tục tập quán từ muôn đời được gìn giữ tới hôm nay. Hiện mỗi năm cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ (bình quân gần 30 lễ hội/ngày). Riêng Hà Nội trong năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra hơn 1.500 lễ hội, có lễ hội chỉ trong vài ngày, nhưng cũng có những lễ hội kéo dài vài tháng như lễ hội chùa Hương. Với những lễ hội có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng, sức hấp dẫn, tập trung đông đảo du khách, các địa phương đều có các phương án triển khai bài bản, cụ thể.
Khai hội chùa Hương 2024 |
Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra lễ hội chùa Hương, Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử, nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông. Nhằm chấm dứt các bất cập liên quan đến giá vé đi đò, Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương quyết định thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương để quản lý các hoạt động lái đò ở khu di tích. Đơn vị này đã tuyển chọn, tập huấn đội ngũ lái đò với từ 3.800 - 4.500 phương tiện. Các đò được xếp lịch cách nhật, một nửa xã viên sẽ làm việc ngày chẵn và một nửa còn lại làm ngày lẻ. Nhờ vậy không còn hiện tượng mạnh ai người đó chèo kéo khách. Tại bến Yến vào ngày khai hội, các lái đò trật tự, lần lượt chờ tới lượt.
Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn còn bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát gồm khoảng 200 người thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh. Du khách trẩy hội chùa Hương tại các khu vực bến xe, bến thuyền, đều được hướng dẫn rõ ràng. Hoạt động xe điện phục vụ du khách diễn ra liên tục, kết nối từ bến xe đến bến thuyền. Giá các dịch vụ được niêm yết công khai, giảm thiểu hiện tượng nâng giá, “chặt chém”. Ngày khai hội chùa Hương năm 2024 rơi vào ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nên lượng du khách đổ về Hương Sơn giảm, ước đạt 17.600 lượt. Vì thế, hội chùa Hương ngày khai mạc diễn ra bình yên, không nhốn nháo, ồn ào như các năm trước đây.
Một lễ hội lớn khác trước đây từng mang tiếng với tình trạng mất an toàn cho người tham gia là lễ hội Gióng nay cũng diễn ra suôn sẻ với các nghi lễ truyền thống được thực hiện trang nghiêm, trật tự. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Nội và cả nước, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010. Lễ hội đã trở thành sự kiện quan trọng, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn, văn minh lễ hội Gióng, ông Tống Giang Phúc - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sóc Sơn cho biết, để có được kết quả này, địa phương rất chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân và du khách, thực hiện đúng bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Lịch sử oanh liệt thời kỳ Hai Bà Trưng được tái hiện ấn tượng bằng công nghệ 3D mapping - ảnh: Phú Khánh |
Năm nay, Ban tổ chức chuẩn bị không gian đủ rộng để các thôn, xã thực hiện các nghi lễ nhịp nhàng, không lộn xộn. Bên cạnh đó, bố trí điểm tán lộc tại cung Cấm đền Thượng, tạo điều kiện cho du khách xin cành hoa tre, lộc trầu cau… nên không có chuyện tranh cướp lộc, tạo cảm giác nhẹ nhàng thanh thản. “Chúng tôi tổ chức bố trí các điểm bán hàng theo đúng quy hoạch, không có điểm bán hàng tự phát. Các đơn vị đăng ký bán hàng phải ký cam kết nên bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó còn tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành. Huyện Sóc Sơn đã bố trí lực lượng an ninh chia ra các điểm chốt trực, bảo đảm an toàn trong những ngày diễn ra lễ hội” - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sóc Sơn khẳng định.
Hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, đậm nét văn hóa |
Phối hợp đồng bộ từ cấp quản lý tới các địa phương
Một lễ hội khác từng làm dấy lên trong dư luận sự phản cảm là lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) diễn ra mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Năm nay, dân làng Ném Thượng đã thực hiện nghi lễ chém lợn trong phòng kín, vừa đảm bảo sự tôn nghiêm mà không mất đi ý nghĩa tốt đẹp về một truyền thuyết được lưu giữ hơn 800 năm. Theo truyền thuyết được dân làng truyền kể, lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ một vị tướng thời nội chiến. Khi bị đối phương truy đuổi, vị tướng này đã dẫn quân về lánh nạn ở làng Ném Thượng. Vì không đủ lương thực, trong khi lợn rừng lại rất nhiều, ông đã ra lệnh chém lợn nuôi quân. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng làng (Tướng quân Đoàn Thượng), đồng thời cầu mong một năm mới an lành, may mắn.
Ông Nguyễn Đăng Công - Trưởng Khu phố Ném Thượng, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, những năm trước, lễ hội làng Ném Thượng vẫn tổ chức nghi lễ chém lợn giữa sân đình trước sự chứng kiến của nhiều người gây nhiều tranh luận. Từ năm 2016, để chấm dứt tình trạng trên và đảm bảo yếu tố truyền thống, hai “ông lợn” đã được đưa vào khu vực kín để làm lễ. Bên cạnh nghi lễ truyền thống, phần hội còn diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ độc đáo, hát Quan họ dưới thuyền, trò chơi dân gian như trò đánh đu, thi nấu cỗ ngọc.
Lễ hội Cổ Loa, tưởng nhớ vua An Dương Vương |
Mùa lễ hội mới chỉ bắt đầu, nhưng sự chuẩn bị kỹ càng từ cấp quản lý Nhà nước cho tới các địa phương, sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị cùng với tâm thế đi hội văn minh, ứng xử văn hóa của nhân dân cho thấy tín hiệu vui, hứa hẹn những hoạt động lễ hội sẽ diễn ra an toàn, đậm nét văn hóa. Có như thế, lễ hội mới phát huy được giá trị trong thời hiện đại, hòa mình vào dòng chảy của đời sống và thực sự là những hoạt động mang lại lợi ích cho du khách cũng như chính địa phương diễn ra lễ hội.
GS.TS Nguyễn Xuân Kính - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Cần sự điều tiết để lễ hội phù hợp với cuộc sống hiện đại
“Đối với nhân dân ta, lễ hội đóng vai trò rất quan trọng. Đó là những ngày người dân ngưng sản xuất, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, chuẩn bị những món ăn ngon nhất và hướng lòng mình tưởng nhớ những người đã có công với nước (có công chống giặc ngoại xâm hoặc đem đến một nghề mới cho dân làng). Nói như giáo sư Đinh Gia Khánh, lễ hội là thời điểm mạnh của đời sống cộng đồng, tức là mọi người được thăng hoa, được chung một niềm vui. Để lễ hội luôn luôn lưu giữ các giá trị truyền thống thì ở đây có vai trò của người dân (là chủ thể gìn giữ và bảo quản), có vai trò của chính quyền, có vai trò của các nhà khoa học, có vai trò của truyền thông... Tôn trọng dân, lắng nghe dân, trao đổi với dân là hết sức cần thiết, nhưng nếu để mặc dân muốn làm gì thì làm là không nên. Cần phải có sự quản lý, điều tiết, có sự trao đổi… Ở đây là cả một hệ thống những yếu tố, nhân tố để lễ hội mãi mãi tốt đẹp như ngày xưa, đồng thời có những biến đổi phù hợp với cuộc sống ngày nay”.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL: Chủ động đưa ra phương án trọng tâm, dự báo
“Qua tổng hợp, công tác quản lý lễ hội năm nay đổi mới hơn so với mọi năm. Các tỉnh, thành phố đã chủ động đưa ra các phương án trọng tâm, trọng điểm, có dự báo đối với hoạt động lễ hội tại địa phương. Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch xuyên suốt, tổng thể cho các hoạt động lễ hội chung, từ đó chỉ đạo trực tiếp các cấp chính quyền xây dựng các kịch bản, kế hoạch, trong đó đưa ra nhiều phương án khả thi cho hoạt động lễ hội. Có thể thấy, quy mô và thời gian các lễ hội truyền thống năm nay mở rộng hơn như tại Hà Nội, lễ hội gò Đống Đa năm đầu tiên được tổ chức kéo dài 3 ngày, hay như lễ hội đền Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh lần đầu tiên tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Điều này có lợi thế người dân được hưởng giá trị văn hóa, kéo theo lượng khách đến rất đông. Để đáp ứng được lượng khách đột biến dịp đầu xuân, công tác đảm bảo an toàn trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm đã được các địa phương hết sức quan tâm”.
Ông Bùi Minh Hoàng - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT Hà Nội: Xây dựng các biện pháp chủ động
“Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di tích và các lễ hội diễn ra vào đầu năm mới. Chỉ tính riêng ngày 6 tháng Giêng Âm lịch, Hà Nội có tới 4 lễ hội lớn cùng khai hội là lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức), lễ hội Gióng (Sóc Sơn), lễ hội Cổ Loa (Đông Anh), lễ hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh). Trong những mùa hội gần đây, Sở VH-TT Hà Nội luôn xây dựng các biện pháp chủ động điều chỉnh việc tổ chức cũng như quy mô, tuyên truyền tích cực đến địa phương, yêu cầu các quận, huyện ký cam kết, thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội cũng như Bộ Tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ VH-TT&DL mới ban hành. Ngay từ cuối năm 2023, chúng tôi đã cùng các phòng chức năng, tham mưu xây dựng các hội nghị tập huấn cho Ban quản lý các di tích trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức trong việc quản lý di tích, tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh tiết kiệm và đúng với phong tục, truyền thống”.
Ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội: Đã có các phương án đảm bảo an toàn cho du khách
“Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đã chủ động xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cho du khách. Theo đó, mọi công việc đều được chuẩn bị chu đáo từ trước, an ninh trật tự và các vấn đề giao thông đến thời điểm hiện tại rất thuận lợi. Tiểu ban An ninh với khoảng 150 người thuộc các lực lượng đã được huy động nhằm đảm bảo an toàn, duy trì an ninh trật tự cho người dân trong thời điểm diễn ra lễ hội. Nhằm chấm dứt nhiều bất cập liên quan đến giá vé đi đò tại đây, trong mùa hội 2024, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương quyết định thành lập hợp tác xã quản lý các hoạt động lái đò ở khu di tích. Hiện đã không còn xảy ra tình trạng chặt chém, lái đò không mời chào, chèo kéo dọc đường. Toàn bộ các lái đò thực hiện nội quy một cách nghiêm túc, quy củ, chuyên nghiệp. Năm nay, đã áp dụng giờ giấc chuẩn trong việc đưa đón khách, thời gian chở đò ngày thường là 5h, riêng thứ bảy và chủ nhật bắt đầu từ 4h. Sau 20h tất cả các điểm di tích sẽ đóng cửa. Việc này để các nơi thờ tự có thời gian dọn dẹp vệ sinh. Dự kiến, trong các ngày cuối tuần tới đây, mỗi ngày danh thắng chùa Hương sẽ đón khoảng từ 4 - 5 vạn du khách”.
Phạm Hương (ghi)