Để bớt cơn hoảng loạn trên thị trường chứng khoán

ANTĐ - Thị trường chứng khoán (TTCK) gần đây có những biểu hiện rất bất thường. Phiên giao dịch 29/8, VN-Index tiếp tục giảm 4,75 điểm xuống 468,55 điểm. Phiên 28/8, VN-Index đã giảm giảm 12,27 điểm (-2,53%) xuống 473,3 điểm. Với đợt giảm giá này, hàng loạt cổ phiếu một thời từng là động lực của thị trường như: VNM STB, EIB, MSN, VIC, FPT, BVH... mất giá mạnh. TTCK tập trung tiếp tục đi xuống bất chấp trong hơn 6 tháng đầu năm nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ và nằm trong tốp những TTCK tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Đáng sợ hơn cả là những đợt giảm điểm trong thời gian ngắn 1-2 ngày khiến cho TTCK rơi vào hoảng loạn. Có thể lấy ví dụ như ngày 25/6, VN-Index mất 23 điểm (tương đương 5%), hai ngày 22,23/8 VN-Index mất 15 điểm và hai ngày 28-29/8 VN-Index mất 17 điểm. Có những cổ phiếu không có biến động trong sản xuất kinh doanh, thậm chí phát triển tốt như VNM, đột nhiên bị đánh úp, giá cổ phiếu trên thị trường chỉ trong vài ngày bị hạ giá tới trên 10%, giá trị thị trường doanh nghiệp giảm trên 10.000 tỷ đồng. Nên biết chỉ trong 8 tháng ngoài việc chiếm thị phần lớn trong nước VNM đã xuất khẩu trên 136 triệu USD và đã ký hợp đồng xuất khẩu 240 triệu USD cả năm 2013. Có rất nhiều lý giải về sự suy giảm của TTCK nhưng rất ít và cũng rất khó tìm được nguyên nhân của các cơn hoảng loạn hoặc sự sụt giá vô lý của một số cổ phiếu trên thị trường. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây, đặc biệt trong tuần vừa qua đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự hoảng loạn của thị trường là: những nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài. 

Thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư nước ngoài  

Tính chung vốn hóa hai sàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tại thời điểm 30-6-2013 đạt hơn 900.166 tỷ đồng, tương đương 42,86 tỷ USD, tăng 6,8 tỷ USD so với cuối năm 2012. Cũng tính đến 30/6 các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài (thường gọi là khối ngoại) đã đầu tư thực tế khoảng trên 4 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Như vậy có thể nói đơn giản các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu khoảng 10% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Các giao dịch của khối ngoại đặc biệt sôi động từ đầu năm 2013 và càng ngày càng chiếm vai trò khống chế thị trường. Mặc dù sở hữu khối lượng giá trị không lớn nhưng giao dịch thị trường của khối ngoại luôn chiếm tỷ trọng cao. Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chỉ trong 6 tháng đầu năm khối ngoại đã mua ròng trên TTCK tới 5.400 tỷ đồng. Ở chiều bán, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại tăng lên đỉnh điểm vào tháng 6, chiếm 23% tổng giá trị giao dịch trên HOSE, sau đó ổn định ở mức 16% trong tháng 7 và gần hết thời gian tháng 8. Thống kê giao dịch từ đầu năm 2013 đến hết ngày 26-8-2013 cho thấy, trong 3 tháng gần đây, khối ngoại có xu hướng bán ròng, tỷ trọng giao dịch trên toàn thị trường sụt giảm. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại đổ vào TTCK trong thời gian này vẫn là mua ròng.

Khối ngoại có xu hướng bán ròng trong 3 tháng trở lại đây. Tháng 6, khối này bán ra 5.400 tỷ đồng chứng khoán trên HOSE, rút ròng 1.800 tỷ đồng. Tháng 7, NĐT nước ngoài bán ra 3.335 tỷ đồng trên sàn này, nhưng rút ròng lại giảm mạnh về mức 335 tỷ đồng do tăng khối lượng mua vào. Trong tháng 8, mức rút vốn ròng tính đến hết ngày 26-8 trên HOSE là 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên HNX, tổng giá trị giao dịch, lũy kế 2 sàn từ đầu năm tới nay, dòng tiền ngoại đổ vào TTCK vẫn đạt mức dương gần 3.529 tỷ đồng.

Từ các số liệu trên, chúng ta nhận thấy vai trò của khối ngoại trên thị trường chứng khoán ngày càng lớn do tỷ trọng giao dịch luôn tăng. Chính vì vậy nhiều người đã coi khối ngoại như người giữ lửa cho TTCK và đương nhiên chấp nhận vai trò dẫn dắt chủ đạo thị trường. Thậm chí đa số các nhà đầu tư trong nước chấp nhận cửa dưới, trông vào thái độ của khối ngoại để hoạt động đầu tư. Trên TTCK đã có một sự không công bằng trong cạnh tranh. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư để kiếm lợi nhuận và với vai trò dẫn dắt thị trường, thời gian qua, bằng nhiều thủ đoạn thị trường, khối ngoại đã tha hồ quyết định giá bán ra, mua vào của các cổ phiếu chủ chốt để thu lợi nhuận, để lại bao nhiêu thua lỗ cho các nhà đầu tư trong nước. 

Tại sao khối ngoại ít vốn hơn lại dẫn dắt được thị trường?

Để làm rõ vai trò của khối ngoại trên TTCK chúng ta có thể xem xét diễn biến TTCK ngày 30- 8-2013. Cho đến lúc 10h, VN-Index tăng 1,92 điểm và VN30-Index tăng 1,75 điểm. Thị trường cân bằng, giao dịch yếu. Từ sau 10h, thị trường bắt đầu biến động cực mạnh. Nhiều cổ phiếu lớn bị xả hàng dồn dập đồng loạt khiến hai chỉ số của HSX rơi thẳng xuống, hoàn toàn không có dấu hiệu chững lại nào. Đến 10h48, VN-Index đã giảm tới gần 7 điểm so với tham chiếu. VNM mở cửa trụ lại được tham chiếu, giao dịch cân bằng quanh mức này, đến đúng 10h. Đột nhiên một lượng lớn cổ phiếu được tung ra bán, giá sụt xuống tận 126.000 đồng, mất 4,55% chỉ trong hơn 30 phút. Tốc độ hạ giá của người bán rất nhanh, thoát ra quyết liệt.

Đến 10h39, khi VNM chạm đáy 126.000 đồng, lượng mua cũng mới chỉ tăng thêm hơn 22.000 cổ phiếu. Tuy nhiên trong suốt thời gian đến gần 11h, VNM trụ rất vững ở mức 127.000 đồng và khối ngoại mua thêm hơn 106.000 VNM. Như vậy khối ngoại đã bắt đáy khá nhiều ở VNM theo chiều giá giảm. Và đến khi kết thúc phiên, các nhà đầu tư trong nước mới nhận ra, người xả hàng tạo ra cơn sụt giảm thẳng đứng của TTCK là khối ngoại và  người mua ở giá đáy cũng là khối ngoại. Vai trò khống chế giá của khối ngoại trên thị trường đã rõ. Có cảm giác họ thích mua với giá nào được giá đó và thích bán với giá nào được giá đó. Với VNM chỉ với một cơn xả hàng có giá trị cỡ vài chục triệu USD trong vài ngày, khối ngoại đã làm giảm giá cổ phiếu mạnh và qua đó làm giảm giá trị thị trường của VNM trên nửa tỷ USD. 

Tại sao họ làm được như vậy? Trước hết cần xác nhận, cho đến nay hầu như tất cả hoạt động của khối ngoại trên TTCK đều đúng luật. Vấn đề ở chỗ họ có sức mạnh tài chính và kinh nghiệm thị trường hơn. Trong khi hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán trong nước thường trực trên sàn chứng khoán là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít có sự liên kết thì các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCK thông qua các quỹ đầu tư với đại diện là những nhà kinh doanh chứng khoán sừng sỏ. Các doanh nghiệp sở hữu khối lượng lớn chứng khoán thường giao dịch thỏa thuận, ít khi giao dịch khớp lệnh, trong khi khối ngoại không chỉ giao dịch thỏa thuận mà họ cũng thường tung khối lượng lớn chứng khoán khống chế giao dịch khớp lệnh. Các quỹ đầu tư nước ngoài có sức mạnh tài chính hơn hẳn các nhà đầu tư trong nước nhỏ lẻ, ít liên kết với nhau. Chính vì vốn ít, nhỏ lẻ nên các nhà đầu tư trong nước thường có tâm lý bầy đàn, đầu tư theo số đông, theo sự dẫn dắt của thị trường, tiếc thay, sự dẫn dắt này lại của khối ngoại vì vậy kiếm được tiền cà phê cũng khó, hầu hết là thua lỗ. Có thể nói việc tạo thành công những con sóng giá 4-5% trong vòng 1-2 ngày  đã tạo ra cơ hội kiếm tiền lớn cho các nhà đầu tư (dĩ nhiên không phải các nhà đầu tư trong nước). Cho nên mặc dù mang tiếng đang tháo vốn khỏi TTCK, các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài vẫn đang đổ về Việt Nam. Trong cả năm 2012 chỉ có 16.001 nhà đầu tư nước ngoài được cấp tài khoản giao dịch chứng khoán thì đến cuối tháng 8/2013 đã có gần 20.000 tài khoản mới cấp cho các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài.

 Để có sự công bằng trong TTCK

Vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài (FII) rất quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế. Theo tính toán của Bộ KHĐT để phát triển theo đúng kế hoạch nước ta cần tới 140 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài cho đến năm 2020, trong đó vốn đầu tư gián tiếp nói chung và đầu tư vào TTCK nói riêng được đánh giá cao. Tuy nhiên, không thể để sự thiếu công bằng, làm giảm cạnh tranh và nhiều khi gây hại cho doanh nghiệp như thời gian qua. Thực tiễn hoạt động của TTCK hỗ trợ quá ít cho các doanh nghiệp, thậm chí nhiều doanh nghiệp mạnh đã chủ động rút niêm yết trên sàn chứng khoán. Đến mức trong một cuộc tọa đàm ngày 28-8-2013, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban kinh tế TƯ, đã phải thốt lên: “Thị trường chứng khoán thế này thì tiếp tục cổ phần hóa thế nào được”

Rõ ràng đã đến lúc cần phải có sự điều chỉnh lớn TTCK. Không chỉ đẩy nhanh cổ phần hóa các DNNN để tăng lượng hàng hóa, nới rom cho các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phiếu các DN mà còn phải tổ chức lại lực lượng các nhà đầu tư chứng khoán trong nước. Cần sớm hình thành và đưa vào tham gia TTCK nhiều quỹ đầu tư trong nước làm đối trọng cạnh tranh với các quỹ đầu tư nước ngoài. Về mặt pháp lý cần có những quy định mới phù hợp thị trường để chống sự khống chế thị trường của một nhóm các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đừng để cho các DN sợ sàn chứng khoán. Theo UBCKNN trong 8 tháng đầu năm có thêm 12 DN niêm yết trên sàn nhưng đã có 30 DN rời bỏ sàn chứng khoán với nhiều lý do.