Để bi kịch không tái diễn

ANTĐ - Vụ án bố giết con ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội cách đây ít ngày, khiến nhiều người bàng hoàng. Gốc rễ sự việc, đành rằng do người cha 63 tuổi không biết dạy con, nhưng nhìn rộng ra, sự việc phản ánh phần nào sự bàng quan, chậm trễ, thiếu quyết liệt của của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể cơ sở… trong việc nắm bắt thông tin, hoà giải mâu thuẫn trong gia đình này.

Có ít nhất 3 vấn đề, cần được chính quyền cơ sở nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm qua vụ án. Thứ nhất: Theo lời khai của đối tượng, con ông nghiện ma túy đã hơn 10 năm nay, nhiều lần được gia đình, chính quyền, lực lượng cơ sở “bắt” đi cai ở các trung tâm của thành phố, nhưng bệnh thì không giảm mà ngày một nặng thêm. Hiệu quả cai nghiện như vậy bằng “0”. Thứ hai: Người nghiện cho dù dứt cơn, bước đầu cai thành công, thì về đến địa phương theo quy định vẫn tiếp tục bị “quản” chặt, dưới sự giám sát của cán bộ chuyên trách. Trong trường hợp này, hiệu quả của cán bộ được phân công nắm bắt tâm tư, tình cảm, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng cũng bằng “0” nốt. Điểm yếu nữa không riêng nơi đây, là tâm lý kỳ thị, ghẻ lạnh của những người xung quanh với các “con nghiện” còn quá nặng nề.

Sự thờ ơ, thiếu quyết liệt của chính quyền, lực lượng chức năng cơ sở chẳng phải vụ việc này mới thấy. Ít ngày trước vụ án này, địa bàn Hà Nội cũng “nổ” ra liên tiếp 2 vụ trọng án vợ chồng đánh, đấm, sát hại nhau vì những mâu thuẫn nhỏ, không kịp thời được phát hiện.

577 phường, xã, thị trấn ở Hà Nội, dưới nữa là các tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xóm..., có lẽ ít nơi đâu chưa thành lập các tổ hòa giải. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, các tổ này lập ra lâu nay mới chỉ cho đủ “ban bệ”, chứ hiệu quả, chất lượng ít nơi quan tâm. Những lục đục, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân lẽ ra phải được lực lượng này kịp thời phát hiện, can ngăn, hòa giải. Những tình huống vượt quá khả năng (như mâu thuẫn trong gia đình bố giết con ở phường Ô Chợ Dừa), họ phải là người đầu tiên “kêu” lên chính quyền, công an cơ sở để can thiệp, xử lý sớm…, nhưng dường như ít nơi làm được.

Ngẫm lại, cũng chẳng thể trách những cán bộ suốt ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bởi nhiều địa phương đâu coi trọng việc đào tạo kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, kinh phí bồi dưỡng duy trì hoạt động cho những cán bộ cơ sở rất quan trọng này. “Nguội” từ gốc - những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân vì thế cứ âm ỉ, không được kịp thời phát hiện, rồi bùng thành bi kịch lúc nào không hay.