Để áp chế Trung Quốc, Mỹ phải tái cơ cấu lực lượng toàn cầu

ANTĐ - Mặc dù Hoa Kỳ đã tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song Washington lại không thể tập kết được một lực lượng lớn như NATO đã từng duy trì ở đây trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh nếu không giảm thiểu những nghĩa vụ của họ tại các khu vực khác trên thế giới.

Chuyên gia quân sự của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga Vasily Kashin cho rằng, khái niệm “không - hải chiến” được các chuyên gia quân sự Mỹ đưa ra nhằm ngăn chặn có hiệu quả nỗ lực của các quốc gia như Trung Quốc và Iran, luôn tìm cách phá hoại, thậm chí là đập tan khả năng triển khai lực lượng của Mỹ tại các khu vực xung quanh.

Trung Quốc có khả năng tấn công phi hạt nhân ồ ạt, phủ đầu bằng các vũ khí tấn công chính xác cao vào các cơ sở hạ tầng giao thông và mục tiêu quân sự của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương, làm giảm tốc độ triển khai nhanh lực lượng quân sự Mỹ tới chiến trường.

Xét đến vấn đề Trung Quốc đã đầu tư rất lớn để xây dựng các hệ thống phòng không hiện đại, để triệt tiêu tiềm lực của chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm”, Mỹ cũng phải hao tổn rất nhiều phương tiện, đặc biệt là nó tiêu tốn không ít thời gian.

Tàu sân bay Mỹ luôn là mục tiêu tấn công của các "sát thủ hàng không mẫu hạm" Trung Quốc

Việc Trung Quốc sở hữu một số lượng lớn các lợi vũ khí phi hạt nhân như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có độ chính xác cao, có nghĩa là Mỹ cũng phải đầu tư rất lớn cho lực lượng hải - không quân để bảo vệ các hệ thống phòng thủ tên lửa và tiêu diệt các hệ thống tên lửa cơ động của quân địch.

Hiện Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong nước và gặp khó khăn về ngân sách. Trong khi đó, các lực lượng của Mỹ lại được bố trí ở khắp các khu vực trên thế giới. Ở một số khu vực trên thế giới như Trung Đông, sự hiện diện của quân đội Mỹ là một yếu tố quan trọng làm cân bằng lực lượng trong khu vưc.

Mặc dù Hoa Kỳ đã tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song Washington lại không thể tập kết được một lực lượng lớn như NATO đã từng duy trì ở đây trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh nếu không giảm thiểu những nghĩa vụ của họ tại các khu vực khác trên thế giới.

Tên lửa đạn đạo chống hàng không mẫu hạm DF-21 của Trung Quốc

Trong khu vực này, Mỹ hiện chỉ có hai đồng minh quân sự lớn là Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang của Hàn Quốc cơ bản chỉ tập trung vào đối phó với mối đe dọa đến từ Triều Tiên, không có khả năng trợ giúp đắc lực cho các đồng minh. Còn lực lượng tự vệ của Nhật Bản, mặc dù được trang bị rất tốt, nhưng quy mô lực lượng nhỏ nên khả năng tiến hành các hoạt động tấn công bị hạn chế.

Đài Loan mặc dù có lực lượng vũ trang đáng kể, song lại rất dễ bị tổn thương khi bị Đại lục tấn công. Trong trường hợp xảy ra xung đột Trung-Mỹ mà không đụng chạm trực tiếp đến hòn đảo này thì việc sử dụng tiềm lực quân sự của Đài Loan có thể sẽ gặp khó vì các lý do chính trị. Philippines mặc dù có lãnh thổ và dân số đáng kể, song tiềm lực quân sự lại quá thấp, cần các lực lượng của Mỹ bảo vệ, chứ không thể giúp đỡ Mỹ được điều gì.

Sau khi kết thúc chương trình cải cách quân đội và thay thế trang bị mới, vào năm 2020 Trung Quốc sẽ hoàn toàn có khả năng nhanh chóng đánh bại các đồng minh quân sự của Mỹ và lực lượng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương trong một xung đột quân sự cục bộ, làm gián đoạn hoặc trì hoãn việc điều động lực lượng của Mỹ từ các nơi trên thế giới về khu vực này. Có khả năng Trung Quốc sẽ đạt được các mục tiêu chính trị trước khi Mỹ tập trung đủ binh lực cần thiết để thực hiện cuộc phản công toàn diện.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 của Mỹ tại
căn cứ không quân Kadena - Nhật Bản

Ý đồ trừng phạt và hất cẳng Trung Quốc ra khỏi những vị trí mà họ đã đoạt được có nghĩa là một lần nữa - kể từ sau cuộc chiến tại Triều Tiên, Mỹ lại bị cuốn vào một xung đột quân sự dai dẳng với một cường quốc lớn mà họ chưa chắc đã chiến thắng, lại còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra một thảm họa hạt nhân. Các đồng minh quân sự mạnh nhất của Mỹ ở châu Âu khó có khả năng hoặc không muốn can dự vào cuộc chiến này nên rất có thể Mỹ sẽ phải chấp nhận thất bại.

Một điều dễ nhận thấy là để bảo vệ lợi ích của mình ở Đông Á, Mỹ không thể không duy trì một binh lực tương đương thường trực ở tây Thái Bình Dương với nòng cốt là lực lượng lục quân. Trong điều kiện cắt giảm ngân sách, điều đó sẽ khiến Mỹ sẽ gặp khó trong đảm bảo sự hiện diện quân sự ở các khu vực khác trên thế giới, ví dụ như Trung Đông.

Tóm lại, sự thay đổi đặc điểm đối đầu quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương rất có thể sẽ phát sinh những ảnh hưởng rất lớn đến chính trị và an ninh toàn cầu.