Đề án tranh cử VFF và lời hứa trước Phó Thủ tướng

ANTD.VN - Thay vì so tài và đua tranh sòng phẳng bằng những đề án tranh cử thuyết phục, một số ứng viên lại tích cực vận động "ngầm" và không ngại dùng chiêu trò để bôi nhọ uy tín, nhằm loại nhau trong cuộc đua vào các chức danh chủ chốt Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa tới.

Chuyện ứng viên chủ tịch, phó chủ tịch VFF muốn tranh cử phải có đề án hay chương trình hành động - trong đó nêu rõ kế hoạch phát triển bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ trúng cử, lộ trình thực hiện, những cột mốc mục tiêu và cả cam kết để ràng buộc trong trường hợp không đạt chỉ tiêu đề ra - từng được đề cập ở hai đại hội nhiệm kỳ VFF trước.

Nhưng thực tế đề xuất này mau chóng bị phá sản. Ông Nguyễn Trọng Hỷ nhờ chức vô địch AFF Cup 2008 của ĐT Việt Nam và ông Lê Hùng Dũng nhờ ứng viên còn lại là Lê Khánh Hải - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL rút lui, đã thong dong về đích trong cuộc đua Chủ tịch VFF khóa VI và VII.

Vì sao cần có đề án tranh cử?

Ngày nhậm chức, ông Nguyễn Trọng Hỷ hứa sẽ giúp V-League chuyên nghiệp và phát triển Trung tâm đào tạo trẻ VFF nhưng đến hết nhiệm kỳ, V-League vẫn bị chê nghiệp dư còn Trung tâm đào tạo trẻ VFF được xây bằng tiền tài trợ của FIFA và một phần ngân sách Nhà nước chẳng thể “đẻ” ra một lứa cầu thủ trẻ nào và phải cậy nhờ các CLB “nhả” quân cho đội tuyển quốc gia mỗi khi có giải quốc tế.

Chủ tịch VFF khóa VI Nguyễn Trọng Hỷ (phải) và người kế nhiệm Lê Hùng Dũng

Còn ông Lê Hùng Dũng trong ngày trở thành doanh nhân đầu tiên trúng cử Chủ tịch VFF đã gieo kỳ vọng cho nhiều người bằng tuyên bố mỗi năm mang về cho bóng đá Việt Nam trên 300 tỷ đồng. Thế nhưng thực tế lại khẳng định đó chỉ là lời hứa suông.

Cũng vì không cần có đề án tranh cử nên cũng chẳng có ràng buộc thành tích nào với tân Chủ tịch VFF và tất nhiên, họ vẫn ung dung đi hết nhiệm kỳ mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm với những lời hứa suông.

Sang đại hội VFF khóa VIII (dự kiến tổ chức tháng 4 tới), tính cạnh tranh tăng lên rất nhiều khi chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch truyền thông cùng có tới 4 ứng viên, hai chức danh Phó chủ tịch tài chính và Phó chủ tịch chuyên môn cùng 2 ứng viên. Số ứng viên có thể còn tăng khi Tiểu ban nhân sự chốt danh sách đề cử lần 2 vào ngày 31-3.

Khi nhiều ứng viên cùng tranh cử một vị trí, việc yêu cầu phải có đề án tranh cử để lấy đó làm tiêu chí cân-đo-đong-đếm năng lực từng người, cũng như để giám sát việc thực hiện cam kết sau khi đắc cử, được đặt ra như đòi hỏi chính đáng.

Thừa chiêu trò, thiếu hành động thiết thực

Tại cuộc đối thoại phát triển bóng đá Việt Nam tổ chức tháng 1-2018 tại Hà Nội, trước ý kiến đề nghị các ứng viên Chủ tịch VFF phải có đề án tranh cử và trình bày trước đại hội nhiệm kỳ, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đứng lên phát biểu cho rằng đó là góp ý rất hay và "hứa sẽ tiếp thu".

Lời hứa của đại diện ngành thể thao được nói ra trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu có uy tín trong ngành được mời tham dự hội nghị đó. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, yêu cầu "phải có đề án tranh cử" không được áp dụng.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng hứa tiếp thu đề xuất "ứng viên chủ tịch VFF phải có đề án tranh cử"

Và thực tế cho thấy tình trạng đáng buồn là thay vì đua tranh sòng phẳng bằng những chương trình hành động thuyết phục, một số ứng viên lại chỉ lo đi "vận động hành lang", thậm chí không ngại dùng chiêu trò để bôi nhọ, nhằm loại đối thủ cạnh tranh.

Thế mới có chuyện một ứng viên Phó chủ tịch truyền thông VFF liên tục nhắn tin điện thoại tới một số tổ chức thành viên thân cận để vận động đề cử và bỏ phiếu bầu cho mình, dù người này mới vướng vào lùm xùm tranh công của U23 Việt Nam. Hay chuyện ứng viên này công kích trực diện, làm giảm uy tín của ứng viên kia trên các phương tiện truyền thông.

Có ứng viên lại dùng sự hậu thuẫn từ một số tổ chức thành viên vốn đang dưới quyền quản lý hoặc sống bằng tiền tài tài trợ, để tăng thêm phần thắng, thay vì thuyết phục các lá phiếu bằng một chương trình hành động bài bản trong nhiệm kỳ mình ứng cử. Đáng nói hơn là lo ngại ứng viên liên kết thành nhóm lợi ích để vận động giúp nhau thắng cử, cũng như gạt các đối thủ khác khỏi cuộc đua.

Từ chỗ là tín hiệu tích cực, việc có nhiều ứng viên tranh cử lại trở thành nỗi lo về một nhóm lợi ích thao túng VFF, như cảnh báo của đương kim Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức trước thềm đại hội khóa VIII, sau khi ông bầu này "đột nhiên" bị gạch tên khỏi danh sách nhân sự dù được nhiều tổ chức thành viên tiến cử.