Đề án đưa "làng biệt thự" 500 năm tuổi của Hà Nội thành trung tâm sáng tạo của Thủ đô

ANTD.VN - Làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), ngôi làng cổ hơn 500 tuổi với những biệt thự pha lẫn kiến trúc Việt cổ và Pháp độc đáo đang được nhóm nghiên cứu Khoa Kiến trúc-Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) thiết lập đề án "Làng nghề may-du lịch". Nhóm nghiên cứu hy vọng, làng Cựu trong tương lai sẽ trở thành trung tâm sáng tạo đồng thời là một điểm đến của du lịch Hà Nội.

 Làng Cựu là một làng nghề may được hình thành từ thời Pháp thuộc. Vốn là làng thuần nông, những năm 1920, sau trận cháy rụi từ đầu làng đến cuối làng, người làng Cựu bươn chải ra các đô thị lớn để kiếm sống. Từ đây, với bàn tay tài hoa, người làng Cựu đã trở thành những thợ may “đệ nhất Hà thành”, chuyên may mặc đồ cho ông Tây bà đầm, trong đó có những nhà may vang tiếng như Đức lợi, Phúc Mỹ, Phúc Hưng.

Cổng làng Cựu xây kiểu tam quan nhà chùa. Ảnh: Hồng Hạnh

Với tay nghề khéo léo của những người thợ “đệ nhất Hà thành”, người dân làng Cựu trở nên giàu có, từ đó mà xây nên những biệt thự nguy nga, đẹp nhất vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ thời bấy giờ.

Cũng bởi sự pha trộn của kiến trúc mà những ngôi nhà ở đây cứ nửa ta nửa Tây, nửa cao cấp nửa bình dân, nửa hào hoa phố thị nửa lại quê mùa… Những cánh cổng nhà xưa cũ đều không quá cao, cũng không quá thấp. Hoa văn, họa tiết trên đó cũng không thiên về kiến trúc phương Tây mà cũng không hẳn là của người Việt. Đó là sự pha trộn hài hòa giữa kiến trúc Gô-tích Pháp và Việt cổ.

Những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa, người làng rời đến các thành phố lớn làm ăn, nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang. Theo TS. Lê Quỳnh Chi và KTS. Dương Quỳnh Nga (đã thực hiện nghiên cứu về làng Cựu từ những năm 2012), trong 49 ngôi nhà cổ tại làng Cựu, hơn một nửa trong số đó bị bỏ hoang hoặc chỉ có 1 người ở. Nghề may của làng cũng bị mai một, hiện nay người làng Cựu chủ yếu nhận gia công những bộ vest hoặc trang phục công sở đại trà.

Cảnh quan đẹp mắt của làng Cựu. Ảnh: Hồng Hạnh

Sau một thời gian dài quên lãng, những ngày đầu năm 2020, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (ĐH Xây dựng) và Nhóm nghiên cứu mô hình làng nghề-du lịch và làng di sản – du lịch (ĐH Xây dựng) phối hợp cùng các nhà thiết kế tài năng đến từ Việt nam và thương hiệu Ý uy tín đã ra mắt đề án “Làng nghề may- du lịch làng Cựu". Buổi lễ ra mắt vừa diễn ra vào ngày 11-2 tại Hà Nội. Đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế.

Lý do nhóm nghiên cứu chọn làng Cựu để xây dựng đề án là bởi, không gian kiến trúc độc đáo của ngôi làng, một cảnh quan vừa thuần khiết, đặc trưng của các ngôi làng đồng bằng Bắc Bộ vừa có một nghề truyền thống, dù làng Cựu không có nghệ nhân. Trong khi ấy, nhiều làng nghề truyền thống của Hà Nội dù hơn hẳn làng Cựu ở khả năng làm kinh tế, số lượng nghệ nhân nhưng cảnh quan lại không thu hút, hấp dẫn khách quốc tế.

Ngôi làng có tuổi đời 500 năm tuổi

Đề án "Làng nghề may - du lịch làng Cựu" sẽ được tiến hành dựa trên hai trụ cột chính là khôi phục lại thương hiệu may thông qua các hoạt động thời trang, đồ thủ công, nội thất và tái sử dụng thích nghi các công trình cổ tại làng Cựu. Nhóm nghiên cứu hy vọng làng Cựu trong tương lai sẽ trở thành trung tâm sáng tạo, đóng góp cho mục tiêu phát triển Hà nội – Thành phố sáng tạo, lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng văn hóa cho quá trình phát triển đô thị bền vững.

TS. Lê Quỳnh Chi cho biết, sau khi nhận được sự đồng ý của chính quyền địa phương bằng văn bản, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các hoạt động cần thiết để đưa đề án vào thực tiễn. Đặc biệt, đề án nhận được sự đồng hành của các nghệ sĩ như nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn, dự án Đình Làng Việt. Vì thế, chị tin tưởng, dự án sẽ đóng góp tích cực cho địa phương và thành phố trong nay mai.