Đề án cấp số định danh: Sẽ không xây dựng cơ sở dữ liệu mới

ANTĐ - Đó là quan điểm của ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp tại cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính và cơ sở dữ liệu quản lý dân cư. Cũng tại cuộc hội thảo này, ông Ngô Hải Phan cho rằng: Kho số CMND hiện Bộ Công an đang quản lý thể hiện được nhiều điểm ưu việt, vì vậy dự thảo đề án xác định, số định danh công dân sẽ chính là số CMND mới mà Bộ Công an đang thí điểm tại Hà Nội.

Việc cấp số định danh sẽ khiến mọi thủ tục hành chính trở nên đơn giản

Sẽ được luật hóa

Theo ông Ngô Hải Phan, sau khi lắng nghe ý kiến của một số bộ, ngành và các ý kiến góp ý trên báo, Bộ Tư pháp tán thành với phương án tận dụng cơ sở dữ liệu công dân sẵn có vốn được Bộ Công an quản lý. Tuy nhiên theo ông Phan, số định danh cá nhân mới chỉ được quy định cụ thể tại Thông tư số 10/2013/TT-BCA của Bộ Công an nên xét về mặt pháp lý, cần quy định tại các văn bản có hiệu lực cao hơn, lấy đó làm cơ sở để các ngành khác sử dụng mã số này trong quản lý lĩnh vực của mình. Mặt khác, các ý kiến đều cho rằng, số định danh cá nhân cần được cấp cho công dân từ khi sinh ra và sẽ theo họ cho tới khi chết nên việc quy định mã số này tại Luật hộ tịch là hoàn toàn phù hợp.

Về vấn đề số định danh cá nhân thay thế cho số thẻ bảo hiểm y tế, số sổ bảo hiểm xã hội, số sổ hộ khẩu… ông Phan nhìn nhận: Số định danh là số gốc để truy nguyên công dân trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. Công dân chỉ cần nhớ duy nhất số định danh và đó sẽ là cơ sở để các ngành kết nối, khai thác sử dụng thông tin của công dân.

Theo rà soát sơ bộ hiện có khoảng gần 1.300 thủ tục hành chính trong mẫu đơn tờ khai yêu cầu khai thông tin cơ bản về công dân hoặc yêu cầu công dân nộp bản sao, các loại giấy tờ như: giấy khai sinh, số sổ hộ khẩu, CMND, sơ yếu lý lịch, đăng ký kết hôn… Trong gần 1.300 thủ tục hành chính đó lại có tới hơn 1000 mẫu đơn, tờ khai yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Nếu việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hiện thực hóa sẽ giúp cắt giảm chi phí kê khai thủ công này khoảng gần 200 tỷ đồng. Cắt giảm chi phí cho việc xuất trình (nộp) các văn bản sao có chứng thực các loại giấy tờ khoảng 1.445 tỷ đồng/năm. Đó là chưa kể tới những lợi ích do không phải bố trí nguồn lực để thực hiện việc nhập thông tin cơ bản của công dân và các cơ sở dữ liệu của ngành mình.

Còn nhiều thách thức

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận để có thể hiện thực hóa đề án, Bộ Tư pháp sẽ phải đối mặt với khá nhiều khó khăn. Đó là để đơn giản hóa gần 1.300 thủ tục hành chính kia, đề án sẽ phải kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với hơn 600 văn bản quy phạm pháp luật gồm gần 100 Luật, Pháp lệnh; 157 nghị định; 26 Quyết định của Thủ tướng chính phủ. Đó là chưa kể tới hàng trăm Thông tư, Thông tư liên tịch, các quyết định của Bộ trưởng…

Bày tỏ sự lo lắng về tính khả thi của đề án khi lộ trình thực hiện kéo dài từ 2013 đến 2020, một đại diện của Trung tâm thông tin bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng: Số định danh cá nhân là lõi để xây dựng các cơ sở dữ liệu cho những chuyên ngành khác. Ví dụ với bảo hiểm, ngay cả một đứa trẻ mới ra đời cũng đã cần giao dịch qua thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng lộ trình cấp số định danh kéo dài những 7 năm thì ngành bảo hiểm trong chừng đó thời gian lại phải xây dựng một giải pháp tạm thời để quản lý trên 60 triệu thẻ. Điều cần lúc này là làm sao có lộ trình đánh số định danh nhanh, nếu không mỗi ngành sẽ lại phải chi ra một khoản tiền rất lớn để xây dựng cơ sở riêng.

Một vấn đề nữa cũng được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nêu ra ngay tại cuộc hội thảo, đó là: “Nếu áp dụng việc đánh số định danh cá nhân chính là số CMND mới thì với những số CMND cũ sẽ xử lý như thế nào. Thực tế hiện nay số CMND cũ đang được rất nhiều người dân sử dụng trong hàng loạt giao dịch. Ví dụ như ngân hàng, một loạt giao dịch trước đây họ đã thực hiện rồi, nay lại thay đổi số mới thì liệu ngân hàng có chấp nhận không?”.  Nếu đưa ra phương án là duy trì hai số CMND thì rất phiền phức. Vấn đề này, chính người dân phát hiện ra mà các cơ quan soạn thảo đề án như chúng ta lại chưa thấy thấu đáo. Tạo thuận lợi tốt đa cho dân là mục đích của đề án chứ không phải thuận lợi chỗ này thì khó chỗ kia - ông Sơn nói.