Đề án cấp mã số định danh công dân khó khả thi nếu không có sự phối hợp

ANTĐ - Bắt đầu từ tháng 6-2013 việc cấp mã số định danh cho công dân sẽ được Bộ Tư pháp tiến hành. Về mặt lý thuyết, đề án này mở ra một “cuộc cách mạng” trong việc cải cách thủ tục hành chính khi người dân sẽ không cần phải có quá nhiều thứ giấy tờ chuyên biệt cho các loại giao dịch hành chính, dân sự... Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến e ngại bởi tính khả thi của đề án…

Vẫn phải duy trì mã số hộ chiếu và mã số CMND bên cạnh mã số định danh

Ảnh: Lê Trang

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Khẳng định tính ưu việt của mã số định danh, một cán bộ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) – thành viên Ban soạn thảo đề án cho rằng, một trong những đặc tính quan trọng nhất là số định danh cá nhân (gồm 12 chữ số) sẽ xác lập chính xác “căn cước” đối với mỗi công dân từ khi đăng ký khai sinh cho đến khi chết. 

Thực tế hiện nay, một người dân thường phải sở hữu hàng chục loại giấy tờ khác nhau (từ giấy khai sinh, giấy phép lái xe đến hộ chiếu...), gắn với mỗi loại giấy tờ là một con số nhất định. Và với quy mô dân số vào thời điểm này, số lượng giao dịch hành chính giữa công dân và cơ quan Nhà nước trung bình lên đến vài triệu giao dịch mỗi ngày. Trong khi đó, hầu hết các giao dịch về thủ tục hành chính luôn đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao các loại giấy tờ, do đó đã tạo ra chi phí hành chính khổng lồ đối với xã hội. Mã số định danh cá nhân sẽ tiến tới loại bỏ dần một số giấy tờ về hộ tịch, hộ khẩu và khi đó công dân đến làm thủ  tục hành chính tại các cơ quan sẽ ít phải kê khai hoặc chứng minh về bản thân. “Nếu mã số định danh cá nhân được áp dụng thì không chỉ làm lợi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm mà còn trút bỏ được gánh nặng về thủ tục hành chính bấy lâu nay của người dân” – vị thành viên Ban soạn thảo đề án khẳng định.

Liên quan đến mã số định danh cá nhân, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ: “Mã số định danh cá nhân chí ít cũng làm giảm được tình trạng tội phạm giả mạo, sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức đang rất nhức nhối hiện nay”. 

Vẫn phải duy trì những mã số khác

Ông Phạm Xuân Phương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội lại băn khoăn có thể thay thế mã số định danh với mã số Hộ chiếu hoặc mã số CMND mà hiện nay Bộ Công an đang quản lý hay không? Theo ông Phương, mã số định danh chỉ mang tính quốc gia, còn mã số hộ chiếu có tính chất quốc tế. Chúng ta cần tuân theo những quy định chung của cả thế giới chứ không thể một mình một kiểu. Chúng ta đều biết mã số CMND gắn liền với tàng thư dấu vân tay của từng người. Người ta có thể khai man, làm giả, thậm chí cố tình cung cấp sai lệch mã số định danh với mục đích xấu, nhưng với dấu vân tay thì không ai có thể giả mạo được. Do đó theo tôi, vẫn phải duy trì hai mã số đặc thù này của cơ quan công an - ông Phương nói.

Một lý do quan trọng khác theo Phó giám đốc Sở Tư pháp là: Hiện nay nếu đề án được thông qua và triển khai trong thực tiễn thì cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Với các đối tượng là trẻ em, thì khi được cấp phải ít nhất 14 năm sau những mã số này mới phát huy tác dụng và được sử dụng thường xuyên. Nhưng với những công dân đang phải sử dụng đến mã số này hàng ngày hàng giờ thì để rút ngắn thời gian, tiền bạc, nhân lực, vật lực, tại sao chúng ta không tận dụng ngay hệ thống, cơ sở dữ liệu sẵn có của Bộ Công an? “Nếu mỗi Bộ chỉ đơn phương thực hiện một mình thì số tiền phải chi ra để “nuôi” một đội ngũ cán bộ từ trung ương đến cơ sở làm nhiệm vụ thu thập, hệ thống hóa dữ liệu sẽ là cực kỳ khổng lồ, tiêu tốn rất nhiều tiền ngân sách” - ông Phương khẳng định.