![]() |
ĐBQH Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tổ chiều 12-5 |
Chiều 12-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và một số nội dung quan trọng khác. Đây là dự thảo luật mà Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì xây dựng.
Tại tổ Hà Nội, qua thảo luận, các ý kiến đều nhất trí cao sự cần thiết phải ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Góp ý vào một số nội dung cụ thể, các ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh, Trần Việt Anh (đoàn Hà Nội) đều nhấn mạnh, dữ liệu cá nhân là tài sản đặc biệt, do đó việc dự thảo Luật quy định nghiêm cấm hoàn toàn hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân là phù hợp và cần thiết.
Đại biểu Trần Việt Anh đề nghị bổ sung thêm các quan điểm của Nghị quyết 57-NQ/TW Trung ương về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào nội dung Dự thảo Luật vì dữ liệu cá nhân vừa là tài nguyên tài sản, vừa là tài nguyên phát triển khoa học công nghệ.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nêu vấn đề, khi dữ liệu cá nhân kết hợp thông tin khác tạo ra dữ liệu cá nhân mới thì ứng xử với thông tin dữ liệu cá nhân như thế nào cũng là nội dung cần xem xét…
![]() |
ĐBQH Quản Minh Cường (đoàn Cao Bằng) phát biểu thảo luận tổ |
Thảo luận ở các tổ khác, nhiều ĐBQH cũng thể hiện quan điểm đồng tình với việc cần cấm mua, bán dữ liệu cá nhân.
Đại biểu Quản Minh Cường – Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhấn mạnh, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất "bức xúc và nóng hổi" vì dữ liệu cá nhân bị lộ lọt, dữ liệu cá nhân bị xâm hại, lợi dụng; trong khi đó, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng hiện vô cùng khó.
Ông Cường dẫn chứng, có khi vừa hạ cánh máy bay đã có người gọi điện mời đặt taxi đi về; hay chỉ cần chạm vào thông tin quảng cáo mua nhà trên các website hay mạng xã hội là sau đó sẽ có tới 40-50 cuộc điện thoại giới thiệu dự án. “Chúng ta đang sống trong môi trường số, việc bảo vệ được dữ liệu cá nhân liên quan đến bí mật đời tư, kinh tế, tài chính... rất quan trọng” – vị ĐBQH đoàn Cao Bằng nêu rõ…
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, sau khi luật hóa, cơ quan chức năng cần có biện pháp để đảm bảo dữ liệu cá nhân của người dân; cần làm rõ biện pháp xử lý khi bị lộ thông tin cá nhân, bị lợi dụng và sử dụng với sai mục đích.
Còn tại tổ thảo luận số 13 (có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự), các ĐBQH cũng chung quan điểm rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu tất yếu của một Nhà nước pháp quyền, của một nền kinh tế số an toàn và một xã hội số văn minh.
Thực tiễn đã cho thấy, khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ làm suy giảm hiệu lực quản lý nhà nước, mà còn khiến quyền riêng tư của người dân bị xâm phạm, niềm tin vào môi trường số bị bào mòn, và cơ hội phát triển kinh tế số đứng trước nhiều rủi ro.
Dù vậy, một số ĐBQH còn băn khoăn về việc Điều 4 dự thảo quy định “Mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân”. Theo các đại biểu, đây là một quy định nghiêm khắc về mặt hình thức, nhưng trên thực tế lại tiềm ẩn nhiều bất cập và khó triển khai...