ĐBQH: Sẽ ra sao khi từ quê tới đô thị đều thấy san sát những "thành phố ma"?

ANTD.VN - “Luật cần quy định làm sao hạn chế thấp nhất hình thức địa táng, khuyến khích hoả táng và hình thức xử lý tro cốt sau hoả táng phù hợp đạo lý, đảm bảo vệ sinh nhưng không tốn nhiều đất”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nói tại phiên thảo luận dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), chiều 18-6.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị luật khuyến khích phương thức hoả táng, thay thế địa táng

Cho rằng phương thức địa táng người chết đã trở nên lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, thống kê mỗi năm cả nước mất hàng nghìn héc-ta đất làm mồ mả cho người đã khuất, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: “Sẽ ra sao khi từ làng quê tới các đô thị đều thấy san sát những "thành phố ma”, với những bia mộ, lăng tẩm xây dựng ngổn ngang, không hàng lối?”.

Theo đại biểu của Hà Nội, trên thế giới đã áp dụng nhiều phương thức mai táng, xử lý tro cốt rất văn minh, đảm bảo yếu tố môi trường mà vẫn bày tỏ lòng thành kính với người đã khuất và không lấy quỹ đất của xã hội.

“Luật cần quy định làm sao hạn chế thấp nhất hình thức địa táng, khuyến khích hoả táng và hình thức xử lý tro cốt sau hoả táng phù hợp đạo lý, đảm bảo vệ sinh nhưng không tốn nhiều đất”, ông Trí nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho biết, thời gian qua có nhiều công trình, dự án xâm phạm nghiêm trọng tới cảnh quan thiên nhiên có giá trị đặc biệt gây bức xúc dư luận như tại vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Tam Đảo, đèo Mã Pì Lèng… 

Tuy nhiên, dự luật chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong bảo vệ, khai thác cảnh quan thiên nhiên, nhất là trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tác động trực tiếp, tiêu cực tới cảnh quan thiên nhiên cũng như vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Bên cạnh đề nghị bổ sung quy định cấm phát tán các chủng sinh học, virus biến đổi gen vào môi trường, đại biểu Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) còn cho rằng cần cấm nhập khẩu, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường.

Bởi theo ông Trí, nếu ngăn chặn ngay từ đầu vấn đề này, doanh nghiệp sẽ không phải tốn nhiều chi phí để xử lý chất thải, giảm chi phí sản xuất, tăng cạnh tranh. Các cơ quan quản lý về môi trường cũng không tốn nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả không cao trong thanh tra, giám sát về môi trường.

Còn theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải (đoàn Hải Phòng), chủ trương chi không dưới 1% ngân sách hàng năm cho bảo vệ môi trường thực chất đã có từ năm 2004, nhưng qua giám sát, một số ngành, địa phương đã chi sai mục đích.

“Ngoài quy định chi 1% ngân sách thì cần tăng nguồn lực đầu tư công, kết hợp tăng đầu tư xã hội để tạo đột phá về hoạt động chi cho bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện này”, ông Khải đề nghị. 

Đánh giá đây là luật quan trọng, tác động tới nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, sức khoẻ của người dân, nhiều đại biểu cho rằng cần phải thảo luận kỹ lưỡng qua 3 kỳ họp, trước khi thông qua tại kỳ họp của Quốc hội khoá XV.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà phát biểu trước Quốc hội

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ nghiêm túc nghiên cứu các góp ý của đại biểu, đặc biệt là tính khả thi của luật trong đời sống, đồng thời đảm bảo tầm nhìn để luật có "sức sống" lâu dài khi ban hành.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nhà nước xác định vai trò chủ đạo trong giải quyết những vấn đề “do lịch sử để lại”, những vấn đề đang bức xúc hiện nay.

“Nhà nước sẽ hỗ trợ cho người dân để thực hiện các chính sách, đồng thời chuyển cán cân nhà nước chủ đạo dần dần sang xã hội hoá để đầu tư cho môi trường. Đây sẽ là tinh thần xuyên suốt của dự án luật”, ông Trần Hồng Hà nói.