ĐBQH: "Người ta 1 năm làm 2.000 km cao tốc, mình mấy trăm km bao năm không xong, thấy cũng xót xa"

ANTD.VN - Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) đã chia sẻ như vậy trong phiên thảo luận về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, chiều 11-6.

Đồng tình với phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo- Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước như tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, đại biểu Đặng Thuần Phong Phong đề nghị cần làm rõ 5 vấn đề.

ĐBQH: "Người ta 1 năm làm 2.000 km cao tốc, mình mấy trăm km bao năm không xong, thấy cũng xót xa" ảnh 1

Đại biểu Đặng Thuần Phong

Thứ nhất, nếu chuyển 3 dự án thành phần này sang đầu tư công, 5 dự án còn lại áp dụng phương thức PPP. Liệu những năm sau không làm được PPP thì có chuyển sang đầu tư công hay không? 

Thứ hai, nếu bổ sung 3 dự án này vào vốn đầu tư công thì bao nhiêu dự án khác sẽ bị “đẩy” ra khỏi chương trình? 

Thứ ba, nếu đưa vào đầu tư công thì liệu có nhanh hơn đầu tư PPP như tờ trình khẳng định hay không? 

Thứ tư, đây là 3 dự án được đánh giá có khả năng thu hồi vốn tốt nhất, khả năng sinh lợi cao nhất trong 8 dự án thành phần. Nếu chuyển sang đầu tư công thì liệu có phải “chỗ nào dễ nhà nước làm trước, chỗ nào khó để đó tính sau”, vậy có đúng chủ trương của Đảng, của Quốc hội là “huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng kỹ thuật” hay không?

Thứ năm, nếu thực hiện chủ trương này chắc chắn sẽ mang nợ công, liệu có mất cân đối trong điều hành chính sách đầu tư vốn trung hạn mà Quốc hội đã phê duyệt, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội ở các lĩnh vực khác.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, trước đây khi báo cáo Quốc hội xem xét 8 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, Chính phủ đưa ra lập luận rất thuyết phục, còn nay lý lẽ để xin chuyển một số dự án thành phần sang hình thức đầu tư công cũng... rất thuyết phục. 

“Vấn đề ở đây là khi chúng ta làm báo cáo nghiên cứu thì chính xác đến mức độ nào, tính khả thi đến đâu”, ông Hạ nói và đề nghị Chính phủ phải có nghiên cứu, thực hiện sao cho đồng bộ các dự án thành phần, đồng thời rà soát hành lang pháp lý cho lĩnh vực đầu tư PPP để làm sao thu hút được nhiều nhất các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Cùng đồng tình với phương án chuyển từ phương thức đầu tư PPP sang vốn đầu tư công đối với một số dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc – Nam, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nhấn mạnh việc chuyển đổi chỉ là bất đắc dĩ, không nên tạo thành tiền lệ và tạo thành nếp nghĩ khó khăn là dùng ngân sách, cứ dùng ngân sách thì mới bảo đảm khả năng thành công. 

Cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá cụ thể tác động đến nợ công khi chuyển đổi hình thức đầu tư, ông Hàm nhìn nhận kiểm soát nợ công hiện nay không chỉ tính đến trần nợ công, khả năng trả nợ mà còn phải tính đến khả năng vay, tức là vay được không, giá phải trả như thế nào.

“Đây là việc phải tính toán kỹ để có giải pháp khi chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam”, ông Hàm nói, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ cần cam kết và quyết tâm hoàn thành dự án theo tiến độ trình Quốc hội, không nên để chậm trễ thêm một lần nữa.

ĐBQH: "Người ta 1 năm làm 2.000 km cao tốc, mình mấy trăm km bao năm không xong, thấy cũng xót xa" ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể

Cuối phiên thảo luận, lý giải vì sao phải chuyển phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, ban đầu chúng ta dự tính huy động vốn đầu tư nước ngoài. Thời điểm đó rất thuận lợi, đến tháng 9-2019 vẫn có 32 nhà đầu tư nước ngoài tiềm lực tài chính mạnh muốn tham gia.

"Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do, chúng ta phải chuyển qua đấu thầu trong nước và gặp khó khăn về nguồn vốn", Bộ trưởng Bộ GT-VT nói và cho biết, hiện nay, Bộ đã thực hiện điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế, hoàn thành kiểm toán... chỉ còn chờ Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ để chuyển sang phương thức đầu tư công.

“Nếu chuyển sang đầu tư công thì các gói thầu sẽ triển khai được trong năm nay, cụ thể tháng 10-2020 có thể khởi công các dự án. Còn nếu giữ phương thức đầu tư PPP phải chờ hết năm nay, nếu không có nhà đầu tư tham gia thì sẽ phải tiếp tục báo cáo, như vậy chắc chắn chậm hơn”, ông Nguyễn Văn Thể nói.