Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng sẽ trả lời chất vấn đầu tiên |
Theo chương trình làm việc dự kiến kỳ họp thứ 8, vào ngày mai (11-11), Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 2 ngày, với 3 Bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn trả lời chính.
Cụ thể, thành viên Chính phủ đầu tiên ngồi “ghế nóng” vào sáng mai (11-11) là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, trả lời nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng như: việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai…
Chiều 11-11 Quốc hội chuyển sang chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế, trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Nội dung chất vấn tập trung vào: việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Sáng 12-11, Quốc hội chuyển sang nhóm vấn đề chất vấn thứ ba là lĩnh vực thông tin và truyền thông, với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chính. Các nội dung chất vấn gồm: giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông.
Trong phiên chất vấn, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách ngành và Bộ trưởng các Bộ liên quan sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn của các ĐBQH.
Các ĐBQH thuộc đoàn ĐBQH Hà Nội tại phiên họp |
Trao đổi với báo chí trước phiên chất vấn, nhiều ĐBQH kỳ vọng, những người đứng đầu các bộ, ngành sẽ trả lời “trúng và đúng”, thẳng vào nội dung chất vấn của các đại biểu quốc hội, đáp ứng được yêu cầu của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Theo đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM), 3 nội dung được chọn để chất vấn lần này rất phù hợp trong thời điểm hiện nay, góp phần đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường. Ví dụ như lĩnh vực y tế, tại sao người dân vào bệnh viện thì thuốc không có, vật tư y tế thì thiếu, nhưng chỉ cần có tiền, ở ngoài thị trường cái gì cũng có; hay việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhân viên y tế, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở y tế.
"Hy vọng rằng các Bộ trưởng sẽ đưa ra được những giải pháp không chỉ trước mắt mà còn là những giải pháp lâu dài, góp phần vào sự phát triển của riêng ngành mình và của đất nước" - đại biểu Kim Yến nói.
Hay đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) quan tâm đến việc Ngân hàng có tiền nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn và mong muốn có câu trả lời trách nhiệm của Tư lệnh ngành.
Trong tuần làm việc này, ngày 13-11, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước); Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Quốc hội cũng thảo luận về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất…