ĐBQH Lê Thanh Vân: "Không nên vì có lũ lụt mà đổ hết lỗi cho thủy điện"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Mặt trái của các dự án thuỷ điện nhỏ cùng tình trạng chặt phá rừng phải chăng là nguyên nhân dẫn đến các đợt lũ lụt, sạt lở gây thiệt hại nặng nề cho miền Trung thời gian qua tiếp tục là chủ đề được các đại biểu Quốc hội tranh luận trong phiên họp toàn thể sáng 5-11.

Đại biểu Lê Thanh Vân thảo luận sáng 5-11

Đại biểu Lê Thanh Vân thảo luận sáng 5-11

Nhấn mạnh “không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thuỷ điện”, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, mục đích trước tiên làm thuỷ điện là trị thuỷ, sau trị thuỷ mới là lấy điện năng.

Theo ông Lê Thanh Vân, mặt trái là tình trạng lạm dụng xây các nhà máy thuỷ điện. Nghĩ đến thuỷ điện, lẽ ra phải nghĩ đến thuỷ công, thuỷ lực, tổ chức dòng chảy để tránh thiệt hại cho nhân dân nhưng đáng tiếc một số chủ đầu tư nhà máy thuỷ điện đã trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên.

“Đó là điều đáng lên án!”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh và cho rằng con người là chủ thể vi phạm pháp luật do “lợi ích nhóm” gây ra, cần xử lý động cơ này chứ không nên vì lũ lụt mà đổ hết lỗi cho thuỷ điện.

Không “đổ thừa” lũ lụt là vì làm thuỷ điện, song đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đề nghị cần làm rõ một dòng sông chịu được bao nhiêu thuỷ điện.

"Một dòng sông làm 3 thuỷ điện khác với làm 8 thuỷ điện. Khi xét duyệt các thuỷ điện 1,2,3 thì tiêu chí đánh giá khác, còn từ các dự án thuỷ điện thứ tư trở đi thì tác động của nó đã khác, không thể xét duyệt như các thuỷ điện ban đầu", ông Trương Trọng Nghĩa phân tích và cho rằng nếu đơn giản hoá vấn đề này sẽ không thấy được vai trò quản lý nhà nước.

Dẫn lại thông tin “trước đây vài chục năm chúng ta có 9 triệu hecta rừng còn nay có 14 triệu hecta” do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị làm rõ trong 9 triệu hecta rừng trước đây và 14 triệu hecta rừng bây giờ, bao nhiêu là rừng trồng, bao nhiêu là rừng tự nhiên.

“Vai trò của hai loại rừng này hoàn toàn khác nhau. Năng lực bảo vệ đất đai, khả năng tích nước ngầm của rừng tự nhiên khác rừng trồng. Trồng là cho phép khai thác, sau 3 năm hay 5 năm chặt đi trồng mới được”, ông Nghĩa phân tích và cho biết không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia rộng lớn về lãnh thổ như Mỹ, Canada… kiên quyết bảo vệ rừng tự nhiên.

Bàn thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre) dẫn số liệu tính tới hết năm 2018 đã có 53/54 tỉnh có rừng đặc dụng đề xuất gần 3.500 dự án kinh tế có chuyển đổi mục đích đất rừng, 37 tỉnh đề xuất chuyển đổi đất rừng tự nhiên. Diện tích rừng tự nhiên chiếm 19% tổng diện tích rừng để xuất chuyển đổi.

Từ 2019 đến nay, số dự án đề xuất chuyển đổi đất rừng giảm 96% nhưng tỉ lệ đất rừng tự nhiên đề xuất chuyển đổi lại tăng, chiếm 90% diện tích rừng đề xuất chuyển đổi.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, chủ trương là diện tích trồng rừng thay thế gấp 3 lần diện tích rừng bị chuyển đổi nhưng phần lớn rừng trồng là các cây gỗ không có khả năng cản nước, ngăn lũ, trữ nước… nhất là khả năng thay thế vị trí rừng phòng hộ của rừng tự nhiên.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà

Giải trình ý kiến một số đại biểu về nguyên nhân các đợt lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho đây là tổ hợp các dạng thiên tai như: liên tiếp 4 cơn bão trong đó có bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm qua; lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử; các khu vực sạt lở nằm trong khu vực đứt gãy địa chất…

“Lỗi (gây ra lũ lụt, sạt lở ở miền Trung thời gian qua-pv) cũng không phải ở thuỷ điện nhỏ. Cái chính là do chúng ta chưa phân tích được lợi ích, tính năng thiết kế hiệu quả và áp dụng công nghệ. Nếu chúng ta tính toán, thiết kế các công trình này hài hoà với tự nhiên thì vẫn có thể duy trì nguồn điện năng và biến đổi lớn tự nhiên”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.