ĐBQH khao khát một ngày nào đó Việt Nam có hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - ĐBQH Trần Hoàng Ngân chia sẻ, khi đi nước ngoài, thấy hệ thống đường sắt cao tốc của họ, ông cũng khao khát một ngày nào đó Việt Nam có phương tiện giao thông hiện đại này…
ĐBQH Trần Hoàng Ngân

ĐBQH Trần Hoàng Ngân

Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) phân tích, cách đây hơn 15 năm, chúng ta đã thảo luận về vấn đề này nhưng chưa chín muồi, đất nước chưa đủ điều kiện. Lúc đó, kinh tế vĩ mô còn bất ổn và nợ công còn cao.

Thời điểm hiện nay, đất nước ta đã có điều kiện khá hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp... Do đó, ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ đồng tình với chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ông cũng chia sẻ cá nhân mình từng khao khát Việt Nam sẽ có phương tiện giao thông hiện đại này.

Tuy nhiên, đây là phương tiện giao thông tốc độ cao nên yêu cầu kỹ thuật và an toàn hết sức là nghiêm ngặt. Đặc biệt, số vốn đầu tư của dự án rất lớn, khoảng 67 tỷ USD. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, cần tập trung huy động nguồn vốn trong nước, vay vốn ưu đãi ở nước ngoài và hạn chế sử dụng vốn ODA.

Chẳng hạn, theo tính toán, chi phí xây lắp khoảng 50%, tức là vào khoảng là 33 tỷ USD. ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề xuất sử dụng nguyên vật liệu ở trong nước và cần huy động các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, để giảm áp lực cho ngân sách thì có thể quan tâm đến nguồn thu từ đấu giá đất sạch, đấu giá đất tại các bến tàu, vùng phụ cận TOD; khai thác hiệu quả tài sản công…

ĐBQH Tạ Văn Hạ

ĐBQH Tạ Văn Hạ

Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) tán thành với chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc tốc độ cao Bắc – Nam. Theo ông, đây là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, vì thế tinh thần là bàn làm chứ không bàn lùi.

Về khả năng cân đối nguồn vốn, đại biểu Tạ Văn Hạ lưu ý, cần phải có phương án để bên cạnh dự án này, Ngân sách Nhà nước còn phải chi cho các công trình trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Ông nhấn mạnh đến việc cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.

Về tổng thể quy hoạch, đại biểu đề nghị cân đối có sự hài hòa giữa các loại hình giao thông đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Bởi hiện nay có những khu vực, dải miền Trung hầu như tỉnh nào cũng có cảng hàng không nên cần tính toán việc khai thác các cảng này để không bị lãng phí.

Đây cũng là mối lo ngại được đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ra. Theo ông Hòa, các tỉnh miền Trung, tỉnh nào cũng có quy hoạch đường hàng không. Giờ quyết định làm đường sắt cao tốc trục bắc – nam thì quy hoạch đường hàng không của các tỉnh cũng phải xem xét lại, để tránh khi đưa vào vận hành sẽ lãng phí, thiếu hiệu quả.