ĐBQH đề nghị quy định rõ trường hợp nào Cảnh sát biển được nổ súng

ANTD.VN - Thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhiều ĐBQH đề nghị cần quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang song cần rà soát kỹ trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng này để tránh trùng lặp với các lực lượng khác và tránh lạm dụng, nhất là quy định về nổ súng...

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt báo cáo tại Quốc hội chiều 5-11

Chiều nay, 5-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển (CSBVN) Việt Nam. Một trong những nội dung tại dự luật này được nhiều ĐBQH quan tâm là việc có nên quy định CSBVN là lực lượng vũ trang hay không.

Qua thảo luận, một số ý kiến nhất trí quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân; một số ý kiến đề nghị quy định CSBVN thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hoặc thuộc Quân đội nhân dân; có ý kiến đề nghị quy định CSBVN thuộc Chính phủ.

Ngược lại, cũng có một số ý kiến cho rằng, quy định “CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân” là chưa thống nhất với Luật Quốc phòng; dễ gây hiểu nhầm CSBVN tương đương Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; gây nhạy cảm, khi có tranh chấp, xung đột trên biển, rất dễ bị thế lực thù định lợi dụng.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – Anh ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, quy định “CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân” là kế thừa Pháp lệnh lực lượng CSBVN năm 1998 và năm 2008; thực hiện hơn 20 năm qua không có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, phù hợp với một số quy định của pháp luật.

Hơn nữa, quy định như vậy cũng làm căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để CSBVN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng quan điểm này, ĐB Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cho rằng, việc quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân là hoàn toàn phù hợp.

“Quy định như vậy cũng sẽ thống nhất với Luật An ninh quốc gia, nhằm khẳng định vị trí, vai trò của CSBVN là một trong những lực lượng chính, chủ yếu trong bảo đảm thực thi pháp luật trên biển. Đây cũng là định hướng để xây dựng quân đội trong những năm tiếp theo, là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, và phù hợp với thông lệ quốc tế” – bà Linh nói.

Một nội dung khác, về quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam, qua thảo luận, các ĐB đề nghị cần quy định chặt chẽ việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là trường hợp nổ súng; đề nghị quy định: “Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự” để tránh chồng chéo về nhiệm vụ với Hải quân, Công an, Biên phòng, Kiểm ngư…

Báo cáo rõ hơn về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tiếp thu ý kiến từ các ĐBQH trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật CSBVN quy định các trường hợp nổ súng vào tàu thuyền trên biển, vì Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chưa quy định.

“Do đó, khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật này quy định “Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ CSBVN phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng” là cần thiết, phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tránh áp dụng tùy tiện dẫn đến xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác” – ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh.