ĐBQH: "Cỗ xe hành chính" sắp chết máy, hết xăng vì chở quá nặng

ANTD.VN - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị đột phá tinh giản bộ máy cán bộ công chức, có biện pháp đồng bộ, hợp lý nhưng kiên quyết, vì “cỗ xe hành chính sắp chết máy vì đang chở quá nặng và sẽ hết xăng”.

Tham gia thảo luận về tình hình kinh tế xã hội trong phiên họp Quốc hội sáng 2-11, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ niềm vui với những tín hiệu tích cực của nền kinh kinh tế, qua các chỉ tiêu tăng trưởng được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.

"Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đã rất năng nổ trong chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; sâu sát với dân, xử lý tiêu cực, phòng chống tội phạm, giữ vững an toàn xã hội", ông Nghĩa nhấn mạnh.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM)

Đề cập tới tình trạng, trong khi Chính phủ trách nhiệm và quyết liệt thì bộ máy bên dưới, có nơi còn thờ ơ, làm không hết trách nhiệm, ĐB Nghĩa cho hay: "Nhiều cử tri thừa nhận trên đã “nóng”, dưới còn “lạnh”. Trên đang tiếp tục “nóng” thì dưới phải “nóng” theo. Ai không “nóng” thì thay người khác". 

Trăn trở với hạn chế công tác cán bộ hiện nay, ĐB Nghĩa cho rằng chúng ta đang chứng kiến và chịu hậu quả khủng khiếp của nạn cán bộ yếu kém, hư hỏng, tham nhũng, móc ngoặc với những nhóm lợi ích xấu để chiếm đoạt tài nguyên, để lại những món nợ công khổng lồ vài chục năm sau chưa giải quyết được.

“Nhân dân hoan nghênh việc công khai minh bạch những dự án thua lỗ, nợ công, vi phạm về kinh tế môi trường và việc xử lý các cá nhân. Nhưng nhiều cử tri, từ dân thường tới lão thành cách mạng đề nghị: Một là, thu các tài sản bất minh không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Hai là, kiên quyết, triệt để hơn với các vụ án tham nhũng đang và sẽ tiến hành, nếu không sẽ phản tác dụng. Ba là, đột phá tinh giản bộ máy cán bộ công chức, có biện pháp đồng bộ, hợp lý,  kiên quyết, “cỗ xe hành chính” sắp chết máy vì đang chở quá nặng và sẽ hết xăng”, ông Nghĩa phát biểu.

Bộ máy hành chính đang quá cồng kềnh, cần tinh gọn (ảnh minh họa)

Trong phiên thảo luận trước đó, đề cập tới vấn đề bộ máy hành chính đang quá cồng kềnh, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đưa ra thống kê: Cả nước có hơn 2 triệu công chức, viên chức đang làm việc; 8 triệu người hưởng lương chiếm 8,3% dân số; hàng năm ngân sách phải bỏ ra 20% chi thường xuyên dành cho quỹ lương… "Với đội ngũ công chức lớn nhưng hiệu lực, hiệu quả thực hiện công việc chưa cao", ông Tiến đánh giá. 

Còn ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) ví von: “Ngân sách dù cho có trở thành nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay”. 

Chỉ ra những khó khăn, nguy cơ mà nền kinh tế phải đối mặt trong thời gian tới, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng trong khi nhiều nguồn lực và động lực phát triển đang dần suy cạn, nếu có những chính sách phát huy được sức mạnh người và của, tinh thần và vật chất, đạo đức và trí tuệ của hơn 90 triệu người dân, 54 dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước, sẽ tạo ra nguồn lực mới dồi dào, mạnh mẽ, không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn khẳng định, bảo vệ chủ quyền quốc gia.