ĐBQH chuyên trách thảo luận một số dự án luật

ANTĐ - Sáng 15-4, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách đã khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị sẽ diễn ra trong 3 ngày nhằm thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII.

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, những dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến các ĐBQH chuyên trách lần này là những đạo luật lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng. Do đó, các đại biểu cần có những đóng góp tích cực về các vấn đề liên quan. 

Ngay trong buổi làm việc đầu tiên, các ĐBQH chuyên trách đã cho ý kiến về một số vấn đề trong dự án Luật ban hành văn bản pháp luật. Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự án luật trên, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh của Luật là điều chỉnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đổi tên là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh.

Về bố cục dự thảo luật, một số ĐBQH nêu ý kiến tại chương V của dự thảo có nhiều điều, khoản về quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư còn trùng lặp... Tiếp thu đóng góp trên, UBTV Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát, sắp xếp lại các điều của chương này.

Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, UBTV Quốc hội cho rằng, để bảo đảm chính quyền cấp huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho chính quyền cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, nhưng phải xác định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; đồng thời quy định chặt chẽ quy trình ban hành. Đối với cấp xã, đây là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật, do đó, không nên giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật... Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc vấn đề này nhằm tránh tình trạng chính quyền cấp xã gặp khó khăn trong thực thi nhiệm vụ… 

Về các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Dự thảo, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung của điều này quá dài, nên xem xét, thu gọn và chắt lọc lại bởi trong số 11 nguyên tắc có những nguyên tắc khá rườm rà, thông điệp không rõ ràng, thiếu tính chặt chẽ, một số nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật với nguyên tắc thi hành văn bản pháp luật còn bị trùng lặp...