ĐBQH: Chưa có quy định nào bảo vệ người xử lý tố cáo

ANTD.VN -Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) sáng 24-5,một số đại biểu cho rằng, việc mở rộng hình thức tố cáo bằng thư điện tử, mạng xã hội, điện thoại...sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định về bảo vệ người giải quyết tố cáo.

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đăk Nông) phân tích, về hình thức tố cáo, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội, email, bản fax…để tố cáo, phản ánh, cung cấp thông tin hành vi vi phạm pháp luật là cần thiết cho người dân. Tuy nhiên, nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước  trong quá trình xem xét và việc xác minh trách nhiệm  của người tố cáo sai sự thật.

Có thể thấy rằng, việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể qua nhiều kênh thông tin  tố giác, tố cáo, phản ánh, kiến nghị …nhưng trong quan hệ trong quan hệ tố cáo và giải quyết tố cáo cần có các chủ thể là người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo. Nếu tố cáo được thực hiện qua thư điện tử, fax, điện thoại thì trong nhiều trường hợp khó xác định người tố cáo là ai, đồng thời tạo ra kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng quyết tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác.

Đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) phát biểu thảo luận

Hơn nữa, tố cáo cán bộ công chức, viên chức  trong việc thực hiện nhiệm vụ rất phức tạp, cần được tiếp nhận và thụ lý chặt chẽ. Việc mở mộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện  về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật  để xác minh kết luận đối với đơn tố cáo. “Trong bối cảnh hiện này, việc mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại là  khó khả thi. Do vậy tôi đề nghị không mở rộng hình thức tố cáo mà giữ nguyên quy định của luật tố cáo hiện hành” – Đại biểu Tín đề xuất.

Về bảo vệ người tố cáo, Đại biểu Tín cho rằng, quy định như trong Dự thảo luật có bước phát triển lớn so với các quy định trước, làm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Đây là cơ sở pháp lý trong việc tạo niềm tin và sự bảo đảm để người tố cáo yên tâm thực hiện quyền tố cáo của mình, góp phần vào việc đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng. 

Song, để nâng cao tính khả thi của các quy định này, cần bổ sung quy định xác định rõ thế nào là tính có căn cứ để yêu cầu bảo vệ và cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ? Khoản 3 Điều 48 Dự thảo tuy đã có quy định, song để hiểu như thế nào là có căn cứ có khá nhiều vấn đề. Bởi quy định này chưa định lượng ở mức độ nào, những biểu hiện, hành vi nào được coi là có căn cứ. Vì vậy, trên thưc tế có thể dẫn đến một trong hai tình huống.

Một là, việc tố cáo chưa thực sự có thể gây nguy hại đến tính mạng sức, khỏe, gây thiệt hại về tài sản, danh dự của người tố cáo và người than thích của họ nhưng khi được yêu cầu người có thẩm quyền có trách nhiệm áp dụng biện pháp bảo vệ, gây tốn kém không cần thiết, tạo dư luận xã hội không tốt. Hai là, tình huống cần thiết cần bảo vệ nhưng có thể do chủ quan, quan điểm chưa đủ căn cứ nên người có thẩm quyền chưa áp dụng các biện pháp bảo vệ dẫn đến việc bảo vệ người tố cáo không đạt yêu cầu theo quy định. "Tôi đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung, làm rõ một số tình huống có thể được coi là căn cứ đồng thời có thể đưa ra đưa ra tiêu chí được coi là có căn cứ để triển khai thi hành luật đồng bộ, thống nhất, khả thi" - Đại biểu Tín nói.

Phát biểu tranh luận trước Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi, Dự thảo luật đã có một chương về bảo vệ người tố cáo, song chưa có quy định nào bảo vệ người xử lý tố cáo. Người tố cáo được giữ bí mật, song người thực thi xử lý, vạch trần tố cáo lại không được giữ bí mật. Thực tế đã có trường hợp báo chí vạch trần người bị tố cáo thì bị tấn công, cho rằng vu khống người khác. Do đó, cần bổ sung quy định về vấn đề này.