ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bao giờ sinh viên ra trường hết thất nghiệp?

ANTD.VN - Tiếp tục phiên chất vấn sáng nay, 18-4, nhiều ĐBQH đã đề cập đến thực trạng hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không có việc làm và hỏi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Bao giờ mới hết thực trạng này?

 

Tiếp tục phiên chất vấn sáng nay, 18-4, nhiều ĐBQH đã đề cập đến thực trạng hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không có việc làm và hỏi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Bao giờ mới hết thực trạng này?

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang)

Trả lời câu hỏi nêu trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, với trách nhiệm được Chính phủ phân công quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trong đó có các trường đại học, cao đẳng nghề, vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ ra 10 giải pháp, trong đó có 3 giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và gắn đào tào nghề với doanh nghiệp, với thị trường lao động.

Theo Bộ trưởng, sở dĩ đào tạo mà người học sau khi ra trường không có việc làm, những người tìm được việc làm thì doanh nghiệp phải đào tạo lại, bởi vì chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường và người học trong quá trình đào tạo. Vì thế, Bộ LĐ-TB&XH việc khuyến khích các trường nghề tự chủ, khuyến khích tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người sử dụng lao động, với cơ sở đào tạo và người lao động.

“Hiện có 6 trường đào tạo nghề thực hiện thí điểm mô hình kết nối với doanh nghiệp để đào tạo nghề đã cam kết là sinh viên ra trường sẽ có việc làm, nếu em nào không có việc làm thì nhà trường sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo cho các em” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ. “Tôi mong muốn nhân dân ủng hộ động viên con em tham gia học nghề, tìm việc bằng con đường chính đáng. Đại học không phải là con đường duy nhất” – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói thêm.

“ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi bao giờ thì sinh viên ra trường, nhất là sinh viện đại học không còn thất nghiệp?. Tôi chỉ có thể nói với trách nhiệm của mình sẽ cố gắng cao nhất để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đại học nói chung, đào tạo đại học nghề nói riêng. Còn cụ thể, chúng tôi cũng như Bộ GD-ĐT chỉ dám nói là cố gắng giảm được càng nhiều thanh niên, sinh viên ra trường thất nghiệp thì càng tốt. Thất nghiệp là vấn nạn chung của toàn cầu, cả các nước phát triển cũng tồn tại” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời trực tiếp vào câu hỏi chất vấn.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn các ĐBQH

Báo cáo thêm việc này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ này đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH rà soát, nâng cao chất lượng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông để các em tiếp cận nghề nghiệp, khuyến khích học sinh khi tốt nghiệp đã có nguyện vọng chuyển sang học nghề chứ không nhất thiết vào đại học. Hiện tình trạng này bước đầu đã có kết quả. Giải pháp nữa là trong chương trình giáo dục phổ thông mới là tăng cường những môn hướng nghiệp, để khi quyết định vào đại học thì học sinh sẽ có hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ cũng sẽ thắt chặt chất lượng đào tạo đại học để góp phần hài hòa việc phân luồng. Tới đây, hai Bộ GD-ĐT cùng Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các bậc học sau đại học, nhằm tạo động lực cho các em chưa có điều kiện thì học nghề, khi có điều kiện thì học cao hơn, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Cũng trong phần chất vấn và trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước còn tới 200.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác chưa được quy tập và trên 300.000 hài cốt đã quy tập nhưng chưa rõ danh tính. “Đây chính là điều day dứt, đau lòng nhất của chúng ta. Chúng tôi coi đây là việc đặc biệt quan tâm, hứa với Quốc hội cố gắng phấn đấu quy tập được hài cốt các liệt sĩ càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt vì để lâu sẽ không còn cơ hội tìm thấy nữa” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giãi bày.

Với câu hỏi của các ĐBQH liên quan đến việc, có hay không trường hợp không thuộc đối tượng là người có công nhưng đã chạy chọt, lo lót để được công nhận là người có công nhằm hưởng chính sách của nhà nước?, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận là “có”.

Theo Bộ trưởng, vừa qua, qua kiểm tra hơn 60.000 hồ sơ tại các đơn vị, địa phương, phát hiện hơn 12.000 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có hơn 1.800 hồ sơ giả mạo. Từ đó, Bộ đã kiến nghị các cơ quan có liên quan ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng; giảm chi ngân sách Nhà nước hàng năm trên 37 tỷ đồng. Bộ cũng kiến nghị xuất toán, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 13 tỷ đồng.