Dạy trẻ hiểu giá trị đồng tiền

ANTĐ - Trẻ em hiện đang bị nhồi nhét kiến thức. Tuy nhiên, có một kỹ năng vô cùng quan trọng trong cuộc sống vẫn chưa được cập nhật, đó là dạy về giá trị đồng tiền. Chính vì không hiểu về giá trị đồng tiền, giá trị lao động nên nhiều thanh thiếu niên đã phung phí nhiều giá trị sống khác. 

Dạy trẻ hiểu giá trị đồng tiền ảnh 1

Ngân hàng không đáy

Không ai hiểu về giá trị đồng tiền hơn các doanh nhân. Hiểu về tiền mới có thể lấy được tiền trong túi người khác. Nhưng không phải ai biết kiếm tiền là có khả năng trở thành người thầy giỏi, nhất là khi học trò lại chính là con mình. 

Rất nhiều câu chuyện các cậu ấm, cô chiêu của các đại gia đã rơi vào vòng ăn chơi, hư hỏng, mà người “tiếp tay” không ai khác chính là cha mẹ chúng. Vốn đã trải qua thời thơ ấu vất vả, tuổi trẻ cơ cực mới kiếm được tiền, nhiều doanh nhân muốn con mình được hưởng cuộc sống sung sướng, vì thế, không tiếc tiền mua cho con xe đẹp, điện thoại sành điệu, dùng cả tiền để mua bằng cấp, mua công việc hy vọng sẽ cho con một tương lai tốt đẹp. Bọn trẻ thấy chẳng làm cũng có tiền ăn chơi, nên bỏ học, bỏ việc, lao vào vòng nghiện ngập, cờ bạc.

Có kẻ còn cậy mình là con đại gia, sẵn sàng phạm tội và tin rằng tiền của cha mẹ sẽ thừa sức cứu mình. Nhưng lúc rơi vào vòng lao lý, hay nghiện ngập đến mức bệnh tật thì tiền cũng không mua được tự do, không kéo lại sức khỏe. Tài sản của cha mẹ, đến một ngày cũng chui hết qua lỗ kim, chìm nghỉm bởi thói ăn chơi xa xỉ, vô độ. Con vua không được làm vua mà ra đê ở hoặc ở trong bốn bức tường của nhà tù. Tội đó thuộc về cha mẹ, đã không dạy con về giá trị đồng tiền. Nhiều cha mẹ đã biến con mình thành một “ngân hàng” có gửi mà không thu lãi, thậm chí, “một đi không trở lại”. Đó là vì cha mẹ “trải thảm” bằng tiền cho con mình mà không dạy con giá trị về tiền bạc.

Nhưng không chỉ “người giàu cũng khóc” về cách tiêu tiền của những đứa con mà người nghèo cũng không khá hơn. Nhiều bậc cha mẹ nghèo, cố gắng hết sức cho con ăn học và chỉ muốn con mình “học” nên cũng bỏ qua bài học về tiền. 

Tiền chính là người 

“Muốn biết một người có tính cách như thế nào, hãy xem cách anh ta tiêu tiền” - Danh ngôn này hoàn toàn chính xác. Một doanh nhân giàu có  luôn được đánh giá cao không phải vì anh ta giàu có, mà vì năng lực của anh ta, trí tuệ của anh ta trong việc điều hành công ty, thu lợi cho mình và cho mọi người. Vì thế, tiền bạc không chỉ có giá trị vật chất mà còn là thước đo năng lực. Một người kém cỏi thì chắc chắn không thể biết cách làm ra tiền. Một kẻ huênh hoang hay chân thành, kẻ keo kiệt hay hào phóng, người nhân từ hay kẻ mua danh, người biết quý trọng sức lao động hay chỉ biết bóc lột, chỉ nhìn cách anh ta tiêu tiền là có thể đánh giá được. 

“Vì thế, dạy con về giá trị đồng tiền là dạy con biết cách đối nhân xử thế, dạy con biết vận dụng trí thông minh, biết quý trọng sức lao động và trân trọng phẩm giá của chính mình” - ông Nguyễn Duy Cương (Phó Giám đốc Viện Đào tạo và tư vấn phát triển Hà Nội) nhấn mạnh. 

Ông Cương phân tích thêm, có một nghịch lý, trong khi đồng tiền quyết định sự tồn tại của mỗi người, thậm chí đạo đức, tính cách của mỗi người đều phản ánh qua cách họ kiếm tiền và tiêu tiền thì các khuôn mẫu đức tin về văn hóa khiến cho đồng tiền hoặc những người biết kiếm tiền (người giàu) trở nên méo mó. Các câu chuyện cổ tích đều phê phán người giàu, các ông Nghị Hách, nghị Quế, Grăng đê… đều cho người ta các ám ảnh giàu có là bất lương, độc ác, bóc lột, lừa đảo, xảo trá và bị “trả giá”, muốn giàu phải “đểu”. Trong khi đó, trẻ em sẽ tiếp nhận được thông tin ngoài xã hội: “Đồng tiền quyết định đẳng cấp”. Như vậy nếu ai muốn giàu thì buộc phải trở thành người đểu, ăn điêu, làm dối, bất nhân. Vô hình chúng ta tạo dựng nên những đứa con xấu, tạo dựng một xã hội nhiều chuyện lừa lọc, bon chen, giả dối.