Dạy tiếng anh cho người thiểu năng trí tuệ

ANTD.VN - Vạn vật trên đời đều bắt đầu từ chữ Duyên, vậy nên mới có câu “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Cậu bé Trần Thiều Quang vẫn nhắc tới việc gặp được mẹ Phúc như một cái duyên lớn để cậu có thể gắn bó với những mảnh đời bất hạnh tại Câu lạc bộ văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội suốt 4 năm nay.

Ấn tượng đầu tiên về Quang đó là một cậu bé có phần hơi mũm mĩm với nụ cười hồn nhiên, tươi rói. Buổi học bắt đầu, Quang đứng cạnh chiếc bảng, đôi tay nhỏ nắn nót viết từng từ mới tiếng Anh của bài học ngày hôm ấy lên bảng kèm theo đó là hình minh họa rồi phát âm để các học sinh đọc theo.

Nói là học sinh nhưng có rất nhiều bạn đã ở độ tuổi 20-23, chỉ có điều tâm hồn họ mãi mãi chỉ là một đứa trẻ.  Học trò của Quang nhẹ thì bị mắc bệnh trầm cảm, thiểu năng trí tuệ, dị tật chân tay, còn nặng hơn thì mắc bệnh động kinh, tăng động. Chính niềm đam mê với tiếng Anh, cùng với tấm lòng sẻ chia đã khiến Thiều Quang có động lực, kiên trì giảng dạy tại đây suốt 4 năm cho các bạn nhỏ tại Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội.

“Thầy giáo” học sinh chăm chỉ, học giỏi

Thiều Quang hiện đang là học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhiều năm liền là học sinh giỏi, đoạt giải ba Toán quốc tế APMOPS. Quang đam mê học tiếng Anh và học rất giỏi. “Em được học tiếng Anh từ nhỏ nên khá tự tin trong môn học này và em cũng rất thích được chia sẻ các kiến thức mình học được với mọi người”.

Vừa chăm chỉ học tập trau dồi kiến thức cho bản thân, Quang vừa tự tay soạn giáo án riêng để dạy tại câu lạc bộ. Năm 2011, khi ấy Quang đang là học sinh lớp 6, trong một chương trình Trung thu do lớp Quang tổ chức, hình ảnh của những bạn, anh chị khuyết tật thích múa hát, thích được học tập đã thôi thúc cậu học sinh cần phải làm điều gì đó cho các mảnh đời bất hạnh.

Từ buổi giao lưu ấy, Quang và 5 bạn học sinh trong đoàn đã trò chuyện cùng mẹ Phúc (Chủ nhiệm Câu lạc bộ). Cảm động và thấu hiểu trước tấm lòng của mẹ Phúc, Quang và 5 bạn đã xin tự nguyện dạy thêm cho các em vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần.

Mặc dù lịch học của Quang tại trường khá dày, nhưng đúng 9h sáng chủ nhật mỗi tuần, Quang lại có mặt tại Câu lạc bộ để giảng dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ tại đây. Ở câu lạc bộ văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội, Quang dạy môn tiếng Anh, còn Văn, Toán, kĩ năng giao tiếp… do mẹ Phúc và các anh chị tình nguyện khác dạy.

Nói là lớp học nhưng không có bàn học, chỉ có những chiếc ghế dài đặt ngang giữa phòng, 3-4 người ngồi chung trên một chiếc ghế. Dạy tiếng Việt cho các em đã khó, dạy tiếng Anh còn khó gấp bội. Bởi bên cạnh sự bình tĩnh, người giảng dạy còn cần một phương pháp dạy học đặc biệt. Nhìn Quang cặm cụi trên bục giảng, nhiều người khâm phục nhưng cũng không khỏi hoài nghi, liệu cậu bé có thể dạy được bao lâu. Vậy mà 4 năm trôi qua, không tuần nào là “thầy giáo” Quang quên lịch lên lớp ở câu lạc bộ.

“Mọi người gắn bó với câu lạc bộ hoàn toàn tự nguyện, làm việc mà không hề có lương. Hơn nữa các em học sinh ở đây đa phần đều mắc bệnh về chậm phát triển, khả năng tiếp thu rất kém nên chẳng mấy ai gắn bó được lâu dài. Vậy mà thằng bé dạy ở đây được 4 năm rồi đấy” - mẹ Phúc rưng rưng kể lại. 

Cách dạy học đặc biệt

Chị Hải Ninh - Phó chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ: “Quang dạy bằng cách đọc rồi cho các em đọc lại, ngày nào cũng ôn nhiều như thế các em sẽ tự nhớ được. Quang có cách dạy riêng cho các em trong Câu lạc bộ, làm cho các em có thể tự nhớ được từ. Mỗi buổi học, Quang chỉ dạy 5 từ, là những từ thông dụng trong cuộc sống như họ tên, số điện thoại…”.

Cách dạy của Quang cũng khá đặc biệt, Quang thường viết từ tiếng Anh lên bảng trước, sau đó sẽ vẽ hình minh họa hoặc diễn tả làm sao cho các bạn hiểu được nghĩa của từ đó, để các bạn tự đoán ra nghĩa của từ rồi mới nói. “Em học cách dạy này từ một thầy giáo đã đăng kí tình nguyện ở đây từ trước. Thầy thường viết bài lên bảng sau đó cho các bạn đọc to nhiều lần, các bạn sẽ nhớ được. Rồi em tổ chức chơi trò chơi cho các bạn, chơi thoải mái các bạn sẽ nhớ bài dễ hơn” - Quang chia sẻ.

Với những từ khó hơn như miêu tả về tâm trạng con người, Quang dùng cả tay chân, thậm chí là cả khuôn mặt của mình để diễn đạt. Dạy các bạn chậm hiểu, Quang có thể kiên nhẫn chỉ bảo nhưng những bạn nhỏ mắc bệnh tăng động thì rất khó vì các em không chỉ thường xuyên la hét ầm ĩ, đặc biệt là khi bị kích động còn rất nguy hiểm.

Khi hỏi Quang những lúc như thế có sợ không, Quang cười hiền: “Thời gian đầu thì em cũng hơi sợ nhưng những lúc như thế chỉ cần bình tĩnh dỗ dành các bạn. Thực ra các bạn ấy ngoan lắm, chỉ những ngày trái gió trở trời bệnh tật hành hạ mới như thế thôi”. Quang cũng cho biết: “Trước đây dạy môn tiếng Anh ở Câu lạc bộ có 7 người gồm 1 thầy giáo và 5 bạn học sinh khác cùng trường với Quang. Nhưng từ ngày thầy giáo sang Pháp du học và vì nhiều lí do khác nhau mà các bạn xin nghỉ, chỉ còn lại một mình em”.

4 năm đã trôi qua, những bài học Quang dạy các bạn ở câu lạc bộ vẫn chỉ dừng lại ở những bài học cơ bản. Mỗi ngày 5 từ, nhưng với các em khuyết tật lại là vấn đề không hề dễ dàng, có thể vừa học được một lát, ra chơi vào các em lại quên hết, nhưng Quang chưa bao giờ bỏ cuộc.

Mỗi khi gặp khó khăn, Quang chỉ nghĩ đến việc làm sao để có thể hướng dẫn và dạy các bạn thật tốt. Quang bộc bạch: “Chỉ cần nghĩ đến việc được đến câu lạc bộ, được chia sẻ với các bạn, được sống trong sự yêu quý của các bạn ở đây, điều đó lại thôi thúc em phải cố gắng nhiều hơn.

Càng trò chuyện, càng giảng dạy cho các bạn, em càng thấy yêu quý và muốn giúp đỡ các bạn nhiều hơn nữa. Em muốn giúp các bạn vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, trở thành những người có ích cho xã hội”. Nhìn Quang tận tụy từng chút một trên bục giảng mới thấy rõ niềm đam mê và cái tình của cậu học trò này dành cho các em nhỏ bất hạnh nơi đây.

“Thực ra thời gian đầu, lúc thầy và các bạn đi hết em cũng buồn, cũng thấy nản. Nhưng sau đó, được mẹ Phúc động viên và chỉ cần nhìn thấy các bạn vui là em cũng cảm thấy vui, điều đó khiến em lại muốn tiếp tục công việc. Ngày bước lên giảng một mình, em run lắm, em cố nhớ lại cách dạy của thầy, bắt chước rồi học hỏi thêm, cứ thế thành quen” - Quang chia sẻ. 

Mỗi ngày chủ nhật đứng lớp tại Câu lạc bộ đã dần trở thành thói quen và là niềm vui của người “thầy giáo” nhỏ. Đối với Quang, hai tiếng “Chào thầy!” từ các học sinh đặc biệt của mình nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng chứa đựng trong đó là tình cảm của các em nhỏ nơi đây và cũng là niềm hạnh phúc mà Quang luôn trân trọng và giữ gìn suốt những năm tháng đứng lớp, gắn bó cùng các bạn.